+Aa-
    Zalo

    Bầu cử tổng thống Pháp: Cuộc đối đầu giữa Macron và Le Pen

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo đánh giá của giới phân tích, hai ứng viên Emanuel Macron và Marine Le Pen có tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau trong các kế hoạch tương lai dành cho nước Pháp, một sự

    Theo đánh giá của giới phân tích, hai ứng viên Emanuel Macron và Marine Le Pen có tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau trong các kế hoạch tương lai dành cho nước Pháp, một sự chia rẽ hiếm thấy trong các cuộc bầu cử ở quốc gia này trong quá khứ.

    Quyết định gây chấn động của cử tri Pháp

    Các đảng phái cánh tả đã thống trị chính trị của Pháp trong nhiều thập kỷ. Nhưng trong cuộc bầu cử vòng 1 hôm 23/4, các cử tri nước này đã ra một quyết định chấn động khi lựa chọn hai ứng viên từ phe cực hữu và trung dung – Marine Le Pen từ đảng Mặt trận Quốc gia và Emanuel Macron từ đảng El Marche non trẻ.

    Cả hai gương mặt sẽ gặp nhau trong vòng bầu cử cuối cùng vào ngày 7/5 tới đây. Dù chiến thắng dành cho ai, nước Pháp cũng sẽ hứa hẹn một cuộc cải tổ lớn.

    Cuộc bầu cử Pháp đang trở nên gay cấn với hai gương mặt hứa hẹn sẽ có những kế hoạch cải tổ lớn.

    "Đây là một cơn địa chấn chính trị không chỉ ở Pháp và còn cả ở châu Âu", nhà báo Pháp kỳ cựu Christine Ockrent nói với CNN.

    Theo đánh giá của giới phân tích, hai ứng viên Emanuel Macron và Marine Le Pen có tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau trong các kế hoạch tương lai dành cho nước Pháp, một sự chia rẽ hiếm thấy trong các cuộc bầu cử ở quốc gia này trong quá khứ. Điều này khiến cho sự lựa chọn của cử tri Pháp trở nên khó khăn hơn.

    Liên minh châu Âu

    Khi nói đến châu Âu, Le Pen chưa bao giờ coi trọng những gì Liên minh châu Âu mang lại cho đất nước của bà. Nữ ứng viên cho biết, nếu được bầu, bà sẽ nhanh chóng bắt đầu đàm phán với các nước thành viên EU để xem xét lại tư cách thành viên của Pháp.

    Hơn tất cả, Le Pen muốn kéo đất nước ra khỏi EU, mặc dù quyết định này sẽ chỉ được thực hiện thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Bà cũng muốn nước Pháp rút khỏi biên giới tự do với châu Âu đồng thời loại bỏ các quy định ràng buộc với tổ chức này.

    Bà cũng nhấn mạnh sẵn sàng từ chức nếu trong cuộc trưng cầu dân ý, người Pháp lựa chọn ở lại.

    Thay vào đó, Le Pen thể hiện một đường lối đối ngoại thân với Nga và công khai chỉ trích các biện pháp chế tài mà EU áp đặt vào Moscow thời gian qua. Điều này cũng khiến cho những thuyết âm mưu về việc Tổng thống Putin can thiệp bầu cử lại nổi lên.

    Pháp có thể nối bước rời châu Âu nếu bà Le Pen lên làm Tổng thống.

    Còn với, Macron – người từng là cựu bộ trưởng Kinh tế dưới thời Hollande cho rằng, Pháp phải ở lại vị trí trung tâm của châu Âu và hợp tác sát sao hơn với các nước láng giềng.

    Ông đã kiên quyết rằng, việc hội nhập sâu hơn giữa các nước trong khu vực đồng euro sẽ có lợi cho Liên minh Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng.

    Macron là một người ủng hộ tự do và vận động cho CETA - Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Canada.

    Nhưng ông vẫn thận trọng khi nói đến các thỏa thuận mới mà châu Âu đang tìm kiếm và nói thêm rằng, EU không nên loại bỏ các tiêu chuẩn về an toàn, bảo vệ xã hội và môi trường.

    Ông cũng phản đối việc khôi phục lại biên giới giữa các nước ở châu Âu và muốn có sự hội nhập nhiều hơn trong khối thương mại ở châu lục.

    Nhập cư

    Le Pen tuyên bố, bà sẽ có những bước đi mạnh tay trong việc trục xuất những cá nhân nước ngoài nằm trong danh sách theo dõi của an ninh, trong khi rút khỏi thỏa thuận Schengen – chương trình thị thực tự do giữa 26 nước châu Âu.

    Trước đó, Le Pen đã nói rằng sẽ hạn chế số người nhập cư xuống còn 10.000 người/năm, bên cạnh các quyền người nhập cư cũng sẽ bị hạn chế.

    Người nhập cư bất hợp pháp muốn ở lại làm việc để trở thành công dân Pháp sẽ phải qua một quy trình kiểm duyệt khắt khe.

    Macron hứa rằng nước Pháp sẽ luôn chào đón người nhập cư.

    Ngược lại, Macron hứa rằng sẽ giải quyết vấn đề tị nạn gia tăng ngay trong 6 tháng đầu tiên và nói rằng Pháp nên là nơi chào đón người tị nạn.

    Macron đã ca ngợi vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc khủng hoảng người di cư và tin rằng Pháp nên làm nhiều hơn thế.

    An ninh

    Le Pen thẳng thắn buông những lời chỉ trích tới NATO và muốn đưa Pháp ra khỏi những ràng buộc trong khối quân sự này.

    Bà hứa sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng và đảm bảo an ninh xã hội bằng cách thuê 15.000 nhân viên cảnh sát mới. Cùng với đó, bà chỉ rõ, tội phạm nước ngoài hoặc cá nhân nằm trong danh sách đen sẽ bị trục xuất khỏi đất nước.

    Tuần trước, sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris, bà Le Pen đã kêu gọi đóng cửa tất cả các "nhà thờ Hồi giáo" ở Pháp. Bà cũng phát biểu đất nước cần "các nguồn lực để đảm bảo chúng ta có thể chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo".

    Ngược lại, ông Macron lại cho thấy sự khéo léo trong hướng đi của mình khi cân bằng giữa việc đảm bảo an ninh, trong khi vẫn tôn trọng quyền tự do của công dân Pháp dù thuộc sắc tộc nào.

    Những đề xuất của nhà hoạt động chính trị trẻ tuổi cũng có nét tương đồng với nữ ứng viên cánh hữu khi nói rằng, sẽ tăng ngân sách quốc phòng và an ninh, tuy nhiên ông lưu ý không nên đóng cửa biên giới với EU và không nên “nghi ngờ” tổ chức này.

    Kinh tế

    Cả hai ứng viên đều hứa hẹn sẽ cải tổ nền kinh tế đang chững lại của Pháp.

    Le Pen đang tìm cách cắt giảm thuế thu nhập cho những người lao động nghèo ở dưới tầng đáy xã hội, đơn giản hóa các luật thuế và chống trốn thuế.

    Bà sẽ xây dựng các chính sách thuế mới dành riêng cho các công ty thuê người nhập cư, để khuyến khích họ phải chia sẻ việc làm cho người lao động Pháp.

    Nữ ứng viên cánh hữu có kế hoạch hạ thấp độ tuổi nghỉ hưu chính thức xuống còn 60 và khuyến khích các công ty tuyển dụng thêm nhiều người, cũng như cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp.

    Bà cũng hứa kế hoạch "tái công nghiệp hoá" của mình sẽ thúc đẩy giới kinh doanh hợp tác với nhà nước Pháp trong nhiều lĩnh vực.

    Trong quan điểm của mình, Macron đã hứa sẽ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% từ mức 33% hiện nay. Ông cũng muốn cắt giảm thuế nhà ở cho phần lớn người Pháp và cải cách thuế tài sản.

    Ông đã cam kết cắt giảm mức chi tiêu công và cắt giảm 120.000 nhân viên để chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.

    Macron đã vạch ra kế hoạch kích thích kinh tế mà ông nói sẽ biến đổi hoàn toàn bộ mặt nền kinh tế Pháp, cam kết chi 50 tỷ euro trong 5 năm cho các lĩnh vực giáo dục, năng lượng và môi trường, vận tải, y tế và nông nghiệp.

    Quốc Vinh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-cu-tong-thong-phap-cuoc-doi-dau-giua-macron-va-le-pen-a188201.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan