Những lập luận trong cuộc vận động tranh cử được hai bên đấu khẩu gay gắt và cử tri Mỹ cần phải cân nhắc hai tầm nhìn khác nhau về sự lãnh đạo cũng như tương lai của nước Mỹ trước khi đến điểm bỏ phiếu vào ngày 5/11.
Tại nhà thi đấu The Garden ở Thành phố New York, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump gọi ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris là "thảm họa phá hủy mọi thứ trên đường đi". Nhóm của ông Trump hiện chú trọng vào việc tiếp cận những cử tri không thường xuyên đi bỏ phiếu hay những người đang thất vọng với hướng đi của đất nước, mong muốn có sự thay đổi.
Hôm 29/10, cựu Tổng thống Mỹ cũng đưa ra đánh giá về khả năng lãnh đạo của Phó Tổng thống Harris. Ông Trump cho rằng bà Harris sẽ "xóa sổ" biên giới quốc gia, "làm suy yếu tầng lớp trung lưu", làm suy yếu các thành phố lớn cũng như "gây ra chiến tranh và hỗn loạn trên toàn thế giới".
Trong khi đó, Phó tổng thống Harris đã chọn địa điểm gần Nhà Trắng để thực hiện cuộc vận động tranh cử cuối cùng. Trước số lượng lớn người dân Mỹ, bà Harris nhấn mạnh sự nghiêm trọng và mối đe dọa mà ông Trump gây ra. Được biết, địa điểm này cũng chính là nơi ông Trump phát biểu vào ngày 6/1/2021 nhằm phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden.
Trong bài phát biểu của mình, bà Harris còn nhấn mạnh quan điểm của đối thủ là ưu tiên lợi ích cá nhân thay vì lợi ích quốc gia. “Ông Donald Trump đã dành cả thập kỷ để khiến người dân Mỹ chia rẽ và sợ hãi lẫn nhau. Đó là con người của ông ấy. Tôi cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ, luôn đặt đất nước lên trên đảng phái và trên bản thân mình”, bà Harris tuyên bố.
Đôi khi, bà Harris sẽ nói chuyện trực tiếp với cử tri đảng Cộng hòa và hứa sẽ lắng nghe những người không bỏ phiếu cho bà nếu được bầu. Phó tổng thống Harris trước đó tiết lộ bà sẽ đưa người Cộng hòa vào nội các của mình. “Không giống như ông Trump, tôi không tin những người không đồng tình với tôi là kẻ thù. Ông ấy muốn bỏ tù họ, tôi sẽ cho họ một chỗ ngồi tại bàn”, bà Harris tuyên bố.
Truyền thông Mỹ cho hay, rất khó dự đoán kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm, bởi nó có sai số và phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng. Tuy nhiên, nó cho thấy sơ bộ bức tranh tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên.
Mỹ áp dụng cơ chế đại cử tri đoàn dựa theo dân số từng bang trong bầu cử Tổng thống thay vì phiếu phổ thông. Các bang đông dân được phân bổ nhiều đại cử tri hơn. Có tổng cộng 535 đại cử tri chia cho 50 bang theo quy mô dân số và 3 đại cử tri cho thủ đô Washington.
Hầu hết các bang và thủ đô Washington phân bổ đại cử tri theo cách thức "người thắng lấy hết", tức ứng viên nào thắng phiếu phổ thông trong bầu cử sẽ nhận được tất cả đại cử tri của bang đó, người còn lại không có phiếu đại cử tri nào, dù nhận được bao nhiêu phiếu phổ thông đi chăng nữa. Để chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng viên Tổng thống Mỹ phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.