(ĐSPL) –Hàng chục triệu cử tri Afghanistan đã tham gia cuộc bầu tổng thống ngày 5/3, với hy vọng lật sang trang sử mới.
Với việc liên quân NATO rút vào cuối năm nay, cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan sẽ đóng lại trang sử can thiệp của quân đội nước ngoài và 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai kể từ khi Taliban sụp đổ vào năm 2001.
|
Bầu cử tổng thống Afghanistan ngày 5/3 diễn ra khá suôn sẻ, ít xảy ra sự cố. |
Theo Reuters, cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan ngày 5/3 đã diễn ra khá yên bình và chỉ có một vài cuộc tấn công lẻ tẻ nhắm vào các điểm bỏ phiếu.
Một quả bom gài bên lề đường đã giết chết 2 cảnh sát và làm bị thương 2 người khác ở thành phố Qalat miền nam Afghanistan, trong khi 4 người khác bị thương trong một vụ nổ tại một điểm bỏ phiếu tỉnh Logar mạn đông nam nước này.
Cho tới nay, không có báo cáo về các cuộc tấn công nghiêm trọng chống lại cuộc bầu cử tổng thống mà phiến quân Taliban thề sẽ phá hoại.
Người ta trông đợi cuộc bầu cử lần này sẽ minh bạch hơn so với cuộc bầu cử tổng thống bị coi là gian lận năm 2009 giúp Tổng thống đang mãn nhiệm Hamid Karzai tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
Ngay cả khi cuộc bầu cử lần này ít bị gian lận, có thể phải mất vài tháng - thậm chí đến tháng 10/2014 - người thắng cử mới được công bố, vào thời điểm đất nước đang rất cần một nhà lãnh đạo để ngăn chặn bạo lực gia tăng khi quân đội nước ngoài chuẩn bị rời khỏi Afghanistan.
|
Khoảng 12 triệu cử tri Afghanistan đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này. |
Khoảng 12 triệu cử tri Afghanistan đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này. Họ sẽ bầu chọn 8 ứng cử viên – trong đó có cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah, Cố vấn an ninh Zalmay Rassoul và cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani là các ứng cử viên nặng ký nhất.
Bác sĩ Abdulah Abdulah, 53 tuổi, nguyên Ngoại trưởng trong chính phủ đầu tiên của Tổng thống Karzai, lẽ ra đã đắc cử tổng thống năm 2009 nếu không bị gian lận. Nhà lãnh đạo đối lập có tính cương nghị này rất được giới lãnh đạo phương Tây phương kính trọng. Ông từng là phát ngôn viên của “người hùng” Massoud bị ám sát năm 2001 vài tuần trước khi Mỹ tấn công lật đổ chế độ Taliban.
Người thứ hai là Cố vấn an ninh quốc gia Zalmai Rassoul, 70 tuổi, thân cận với Tổng thống đang mãn nhiệm Hamid Karzai. Ông này từng học ở Pháp và biết 4 ngoại ngữ là Pháp, Anh, Italy và Arập.
Ứng cử viên thứ ba là chuyên gia kinh tế Ashraf Ghani, 64 tuổi, một giáo sư đại học được quốc tế mến mộ.
Cả ba ứng cử viên tổng thống này đều ủng hộ Hiệp ước an ninh Mỹ-Afghanistan mà Tổng thống đang mãn nhiệm Hamid Karzai phản đối. Theo hiệp ước này, Mỹ được phép để lại Afghanistan một số lượng quân hạn chế để làm cố vấn và huấn luyện lực lượng an ninh nước này.
|
Theo Hiến pháp Afghanistan, Tổng thống đang mãn nhiệm Hamid Karzai không được phép ra tranh cử. |
Theo Hiến pháp Afghanistan, Tổng thống đang mãn nhiệm Hamid Karzai không được phép ra tranh cử. Nhưng sau 12 năm cầm quyền, ông Karzai được cho là sẽ duy trì ảnh hưởng thông qua các chính trị gia trung thành với ông.
Trước cuộc bầu cử, Taliban cảnh cáo dân chúng chớ có tham gia bầu cử và hàng chục người đã bị thiệt mạng trong một loạt các cuộc tấn công trong tuần trước .
Hơn 350.000 binh sĩ Afghanistan đã được triển khai để bảo vệ cử tri và các điểm bỏ phiếu. Thủ đô Kabul, đã được bảo vệ bằng nhiều rào chắn và các chốt kiểm soát .
Về tính hợp pháp của cuộc bầu cử , Ủy ban bầu cử Afghanistan thông báo rằng ít nhất 10\% các điểm bỏ phiếu có nguy cơ bị đóng cửa do các mối đe dọa an ninh và hầu hết các nhà quan sát nước ngoài đã rời Afghanistan sau một cuộc tấn công chết người vào một khách sạn ở Kabul hồi tháng trước. Chỉ có phái bộ quan sát viên bầu cử của Liên minh Châu Âu còn bám trụ.
Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết 6 quan chức - trong đó có một nhân viên tình báo - đã bị bắt giữ trong ngày bầu cử 5/3 do tìm cách gian lận bầu cử và một số người đã bị bắt vì dùng thẻ cử tri giả .
Nếu không có ứng cử viên nào giành được trên 50\% số phiếu, hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ 2, sẽ được tổ chức vào 28/5.
Cuộc bầu cử lần này là một bước ngoặt, sau 13 năm chống nổi dậy, làm chết ít nhất 16.000 thường dân Afghanistan và hàng ngàn binh sĩ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-cu-tong-thong-afghanistan-kha-suon-se-a28239.html