Ở thời điểm 4 ngày trước cuộc tranh cử vòng 2 - dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới, tất cả 16 cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành kể từ cuộc bỏ phiếu vòng 1 vào ngày 10/4 đến nay đều cho thấy đương kim tổng thống dẫn trước từ 7-12%.
Kết quả của 3 cuộc thăm dò mới nhất cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Macron đang ở mức cao nhất kể từ trước thềm vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022, với mức trung bình 55,83%, tăng hơn 1 điểm phần trăm so với kết quả được công bố trong ngày 15/4.
Cụ thể, số liệu từ các cuộc thăm dò của Opinionway và Ifop, lần lượt là 56% và 55%, cũng cho thấy đương kim Tổng thống Pháp có tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất kể từ cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên vào ngày 10/4.
Trước đó vào ngày 6/4, ông Macron và ứng cử viên cánh hữu Le Pen đã xuất hiện trong Chương trình “Mười phút để thuyết phục” trên kênh truyền hình TF1, trong đó cả hai nhấn mạnh các biện pháp nhằm tăng sức mua trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.
Khi được hỏi “biện pháp đầu tiên là gì nếu ông/bà đắc cử Tổng thống vào ngày 24-4”, cả ông Macron và bà Marine Le Pen đều đề cập đến việc duy trì sức mua bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine cũng như giá năng lượng và lạm phát tăng. Tổng thống Macron tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm tăng sức mua, như duy trì mức giá trần đối với khí đốt và điện, trong khi các khoản trợ cấp lương hưu sẽ được bù đắp theo lạm phát kể từ mùa hè này.
Cả 2 ứng cử viên trong cuộc đua vào điện Élysée hiện đang tìm cách thu hút cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon - người đã bị loại sau vòng 1 cuộc bầu cử. Khu vực bầu cử của ông Melenchon được đánh giá sẽ là "chìa khóa quyết định" để phân định cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/4.
Đảng của ông Melenchon vẫn chưa đưa ra bất kỳ khuyến nghị bỏ phiếu nào cho 2 ứng cử viên nêu trên. Tuy nhiên, cá nhân ông Melenchon đã kêu gọi những người ủng hộ mình không bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ẩn số lớn nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay chính là tỷ lệ cử tri đi bầu thấp. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể có tác động lớn đến kết quả cuộc bầu cử.
Các chuyên gia lưu ý rằng, hiện đang có một tỷ lệ khá lớn những người vẫn chưa biết họ sẽ bỏ phiếu cho ai hoặc liệu họ có đi bỏ phiếu hay không. Theo Le Monde, tỷ lệ cử tri đi bầu đã giảm từ 84% năm 2007 xuống còn khoảng 78% năm 2017 và các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay có thể còn cao hơn so với 5 năm trước. Đặc biệt, những người trẻ tuổi và tầng lớp lao động dường như ít quan tâm tới việc bỏ phiếu hơn so với những người đã nghỉ hưu và những cử tri thuộc tầng lớp thượng lưu.
Thùy Dương (Theo Reuters)