Sau khi điều khiển xế hộp tông bé gái 9 tuổi tử vong, ông Nghĩa đã lái xe rời khỏi hiện trường. Thời điểm gây tai nạn, tài xế thừa nhận đã uống rượu.
Ngày 16/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tạm giữ ông Nguyễn Trọng Nghĩa (40 tuổi, trạm phó trạm kiểm lâm Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội) để điều tra về hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Chiếc ôtô liên quan vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng tạm giữ - Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo tài liệu điều tra, vào ngày 8/2 ông Nghĩa điều khiển ôtô chở 2 cán bộ thuộc một đơn vị vũ trang ở Ba Vì đi từ phố Nguyễn Thái Học về phía nhà máy đường ở phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Khi đi qua khu vực cầu Treo, chiếc xe do ông Nghĩa điều khiển đã đâm trúng 2 bé gái. Cú va chạm mạnh đã khiến bé gái 9 tuổi tử vong, cháu bé còn lại được đưa đi cấp cứu.
Được biết, ngay sau khi gây tai nạn ông Nghĩa đã lái xe rời khỏi hiện trường. Nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế được xác định vượt mức cho phép.
Qua quá trình điều tra, truy xét Công an thị xã Sơn Tây đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ ông Nguyễn Trọng Nghĩa để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |