Công an TP Rạch Giá, Kiên Giang đã bắt giữ nhóm thanh thiếu niên chuyên dùng đá ném vỡ kính và trầy xước sơn xe của người dân.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 19/2, công an phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang cho biết vừa bắt giữ 7 thanh thiếu niên có hành vi hủy hoại tài sản bằng cách dùng đá ném vỡ và trầy xước xe ô tô.
Các đối tượng bị tạm giữ gồm: Thái Ngọc Tiến, Lê Kỳ Đỉnh, Đoàn Văn Đức, sinh năm 2002, Huỳnh Nhật Trường, sinh năm 1999; Phạm Trí Tài, Bùi Khánh Quân, sinh năm 2000; Nguyễn Đức Phong, sinh năm 2001; cùng ngụ tại các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Thanh, Vĩnh Lạc và An Hòa, TP. Rạch Giá.
Nhóm thanh thiếu niên hay ném đá xe ô tô tại cơ quan công an - Ảnh: Báo Dân trí |
Liên quan đến vụ việc, báo VOV thông tin, vào khoảng 22h ngày 17/02, lực lượng Công an phường An Hòa đang tuần tra thì phát hiện nhóm thanh thiếu niên đi trên 3 chiếc xe máy dùng đá ném làm vỡ kính và trầy xước sơn xe ô tô của người dân đang đậu trước nhà trên đường Trần Bạch Đằng, khu phố 5, phường An Hòa nên tiến hành truy đuổi và bắt giữ các thanh thiếu niên này cùng tang vật.
Tại cơ quan điều tra, Trường và Đỉnh khai nhận mục đích ném đá chỉ để "cho vui" và đã thực hiện 17 vụ ném đá làm vỡ kính nhiều chiếc xe ô tô khác đang đậu trên các tuyến đường ở TP Rạch Giá.
Vụ việc đang được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Rạch Giá tiếp tục làm rõ.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp