Thiếu tiền mua ma túy, nhóm đối tượng đã găm "hàng nóng" để đi cướp. Họ sẵn sàng chống trả, tấn công nếu bị người khác truy đuổi.
Báo Tri thức trực tuyến đăng tải thông tin, chiều 14/5, Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM bàn giao 2 kẻ cướp giật cho Công an quận Phú Nhuận để tiếp tục điều tra.
Từ trái qua: Phong, Quyền, Tuân, Hiếu - Ảnh: báo Thanh Niên |
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, tối 12/5, Trần Thanh Phong (tức Bi “nhóc”, 23 tuổi, có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản, ngụ Q.Tân Phú) và Võ Hữu Quyền (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) hẹn nhau ở giao lộ Hòa Bình - Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) đi cướp giật tài sản.
Phong đi xe máy hiệu Exciter (BS 59Y2-707.86), Quyền cũng chạy xe Exciter (BS 54L1-2606), tự giao ước nhau, nếu ai “ăn hàng” thì kẻ còn lại có nhiệm vụ cản địa. Sau khi rảo qua nhiều tuyến đường ở các quận Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, khoảng 0h15 ngày 13/5, khi đến trước nhà 261 Nguyễn Văn Trỗi (P.10, Q.Phú Nhuận), Phong phát hiện bà V. (ngụ Hà Nội, công tác tại Bộ Ngoại giao) đang cầm ví màu trắng (bên trong có 3 triệu đồng, 1 iPhone 6S) nên áp sát giật và tẩu thoát.
“Ăn” hàng xong, hai tên di chuyển về hướng Q.11 tiếp tục “săn mồi”. Đến 1h cùng ngày, tại giao lộ Lãnh Binh Thăng - Ba Tháng Hai (Q.11), Phong giật 1 ĐTDĐ của một người đàn ông đang dừng xe bên lề đường nghe điện thoại. Gây án xong, Phong đưa 2 ĐTDĐ cho Quyền mang đến bán cho Phạm Cao Tuân (36 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, chủ cửa hàng mua bán ĐTDĐ ở Q.Tân Bình) với giá 2,7 triệu đồng.
Một phần tang vật bị thu giữ - Ảnh: báo Công an nhân dân |
Báo Tuổi Trẻ thông tin thêm, sau khi tiếp nhận nội dung trình báo của bị hại, các trinh sát của Đội hình sự đặc nhiệm xuống hiện trường, thu thập tài liệu chứng cứ, truy xét các đối tượng. Sau một ngày ngày đeo bám, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã thu thập đủ tài liệu chứng cứ xác định được những đối tượng liên quan gây ra vụ cướp giật.
Sáng 14/5, lực lượng hình sự đặc nhiệm phối hợp các phòng nghiệp vụ liên quan, ập vào một khách sạn trên đường Đồng Nai (Q.10).
Tại đây, lực lượng hình sự đặc nhiệm phát hiện Phong, Quyền, Trần Trung Hiếu (tức Hiếu “ngọ”, 26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, nghiện ma túy “đá” và có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản) đang chơi ma túy “đá” và tiến hành bắt giữ. Đồng thời một tổ công tác khác cũng bắt giữ Tuân tại một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Q.Tân Bình.
Tại cơ quan điều tra, qua đấu tranh khai thác, cả ba khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, không chỉ Phong, Quyền cướp giật chiếc bóp của người phụ nữ trên đường Nguyễn Văn Trỗi rạng sáng 13/5 mà băng nhóm này còn liên quan đến nhiều vụ cướp giật táo tợn trước đó.
Đặc biệt qua đấu tranh khai thác, công an xác định Hiếu là người trực tiếp tham gia vụ cướp giật dây chuyền của một phụ nữ trên đường Tân Sơn (Q.Gò Vấp) ngày 25/2. Vụ cướp giật dây chuyền này bị camera ghi lại và lan truyền trên mạng gây xôn xao dư luận
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng cũng khai nhận đều bị nghiện ma túy “đá”. Do không có tiền sử dụng ma túy nên đã đi cướp, băng nhóm này thường hoạt động về đêm. Trong quá trình đi “ăn bay”, băng nhóm luôn mang theo bình xịt hơi cay, hung khí, súng bắn đạn bi để sẵn sàng chống trả, tấn công nếu bị người khác truy đuổi.
Tiến hành khám xét những nơi lưu trú của các đối tượng, cơ quan công an tạm giữ 450 triệu đồng, hàng chục điện thoại di động không có hóa đơn chứng từ, hung khí, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn bị cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp