Trong đề bài hướng đến ngày Quốc tế Lao động (1/5), học sinh lớp 5 có những chia sẻ thật thà, nhân văn về người giúp việc.
Cô Đặng Nguyệt Anh là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường Hà Nội – Amsterdam. Vừa qua, trong tiết dạy văn của CLB bồi dưỡng năng khiếu lớp 5 Trí Đức, cô ra đề bài: “Người giúp việc trong gia đình qua cảm nhận của em”. Đây là một trong hai đề tự chọn dành cho học sinh.
Đề bài này, cô giáo Đặng Nguyệt Anh hướng đến ngày Quốc tế Lao động (1/5). Cô chia sẻ: “Vấn đề này khá nóng trong xã hội. Gia đình tôi nhiều ngày tháng đau đầu vì người giúp việc, nhất là khi có người già ốm và con nhỏ. Có người tạo ra sự khó chịu khi không thật thà, hoặc nếp sinh hoạt khác nhau. Người khác lại khiến tôi yêu quý”.
“Trước những vấn đề bức xúc, lo âu về giúp việc, tôi chợt nảy ra suy nghĩ cho học sinh tham gia ý kiến. Các em được tự do bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình, không có định hướng, gợi ý của cô giáo. Bởi vậy mới có em hồn nhiên hỏi: “Cô ơi con viết thật được không?”.
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh. |
Sau khi đọc bài học sinh, cô Đặng Nguyệt Anh rất bất ngờ: “Nhiều bài viết rất thật, có em khen, có em chê người giúp việc. Tôi rất vui vì nhiều học sinh biết trân trọng người lao động chân tay trong gia đình”.
Một số đoạn trích trong bài văn của học sinh lớp 5:
“Ngày đầu tiên mẹ nhờ cô ấy đưa em đi học. Em cảm thấy khó chịu nhưng cô nói: 'Cháu phải nghe cô chứ. Cô muốn kiếm tiền nuôi gia đình và đây là công việc của cô. Cô phải hoàn thành thì mới kiếm được tiền'.
Chiều đó, em được cô nấu cơm cho ăn. Lúc nào cô cũng tươi cười và nói tiếng lóng quê em pha với giọng Hà Nội. Mỗi lần nghe cô nói, em lại nhớ đến quê hương. Từ đó, em dần có thiện cảm và yêu quý cô hơn. Khi chị gái điện thoại hỏi em về cô. Em vui và nói rằng, cô rất tốt bụng. Em hứa với chị sẽ đối xử tốt, lễ phép với cô. Em rất yêu quý cô và hứa sẽ học giỏi để đền đáp công ơn của cô”.
Học sinh Nguyễn Đức Nghĩa
“Hồi bé, em quý bác lắm. Bác ru em ngủ, đèo xe đạp đưa em tới trường, chơi cùng hai anh em. Lúc đó, bác cũng hiền lắm. Nhưng bây giờ càng lớn em càng bị bác mắng nhiều. Bác toàn bảo em 'sao chậm thế', trong khi bố mẹ em cũng chê bác chậm suốt.
Bác dặn em xuống tầng 1 để đón hai anh em. Hôm sau, em xuống muộn và bị mắng một trận. Hôm khác, em xuống thì chờ mãi bác mới đến. Bác bảo hôm nào bác bận thì bác đến muộn, hôm nào không bận bác đến sớm. Bác chẳng bảo hôm nào bận hay không.
Bác phàn nàn với em về chuyện người giúp việc khác được tăng lương trong khi bác thì không, lại còn dặn “đừng nói với mẹ”. Nhà em hình như chẳng ai ưa bác cho lắm. Bố bảo: 'Bác là giúp việc mà sang chảnh'. Mẹ bảo: 'Bác chậm chạp lắm'. Còn các bạn cùng lớp em, vài bạn nhìn thấy bác mắng em hôm xuống muộn, hôm sau hỏi: 'Bác giúp việc nhà cậu dữ thế'”.
Học sinh Nguyễn Hoàng Uyên Anh
Bài văn của học sinh Uyên Anh. |
“Trong gia đình em ngoài bố mẹ, em và em gái còn một thành viên không chung huyết thống nhưng đã gắn bó mười năm nay. Đó là bác Huấn – người giúp việc.
“Hôm nào khi đi học về em cũng thấy nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa. Nhưng mỗi khi bác nghỉ về quê thì chỉ sau một ngày nhà em lại luộm thuộm, bẩn thỉu. Bác Huấn là một đầu bếp giỏi. Mới ngày nào bác về nhà em giúp việc, những món ăn của bác lúc nhạt, lúc mặn, không đúng khẩu vị gia đình. Dần dần, nhờ kiên trì bác đã nấu ăn ngon hơn. Có những hôm do mệt mỏi bác định nghỉ việc nhưng bất chấp tất cả bác vẫn cố gắng làm việc cho gia đình em. Bác Huấn rất say mê công việc. Có hôm bác làm đến 1 giờ đêm và 5 giờ sáng đã dậy”.
Học sinh Nguyễn Minh Thắng
“Nhà em có bác giúp việc, bác ấy khổ sở lắm. Mỗi tuần bác dọn dẹp, lau nhà 3 tiếng. Da của bác ngăm đen vì làm lụng. Không chỉ gia đình em mà nhiều gia đình khác cũng nhờ bác. Anh của bác bị ung thư nên bác dọn dẹp để kiếm tiền chữa trị cho căn bệnh này ra khỏi anh mình. Bác phải làm gần 3 tiếng nhưng chỉ được 120.000 đồng mà thôi. Sự sạch sẽ trong căn nhà em thể hiện sự vất vả và quyết tâm của bác. Dù nhà trọ ở rất xa nhưng không vì thế mà bác ngần ngại đạp xe. Em thấy có được đồng tiền phải trải qua nhiều khó khăn”.
Học sinh Phạm Hồng Quân
“Có một kỷ niệm mà em rất biết ơn bác. Khi đó em 5 tuổi, do vẽ linh tinh lên tường nên bị bố đánh đòn. Thấy em khóc to, bác Cúc đã ra dỗ và xin bố đừng đánh nữa. Em sợ bố mắng nên quay lại bảo: “Bố đánh nốt rồi con đi”. Thế là cả nhà bật cười ồ lên. Hôm đó, em không bị bố đánh nữa. Em tự hỏi: “Nếu thiếu bác Cúc thì gia đình em sẽ xoay xở thế nào nhỉ?”. Em mong rằng, các gia đình khác cũng sẽ như bác Cúc nhà em – một người lao động đáng được tôn vinh”.
Bài văn của một học sinh. |
Theo báo Tri thức trực tuyến