Để có được như ngày hôm nay, MC Nguyên Khang đã phải tự chiến thắng bản thân và cả những chiêu trò bẩn của đồng nghiệp.
Nguyên Khang đang là một trong những MC đắt giá của làng giải trí Việt. Nhiều người nhìn anh của bây giờ ắt hẳn không khỏi ghen tị và ngưỡng mộ. Nhưng không phải ai cũng biết con đường của chàng MC ấy chưa bao giờ trải đầy hoa hồng.
Anh không may mắn như những người khác, không sinh ra với chòm sao may mắn rọi vào người. Cuộc sống đôi khi lại dành cho anh “những cái tát sự thật” cay đắng và mạnh mẽ đủ để anh phải bật khóc.
Nhưng Nguyên Khang không khóc rồi chấp nhận đứng sau cái bóng của số phận, anh khóc để lấy nghị lực bước tiếp, để làm chỗ dựa cho mẹ và hai cô em gái.
Nhớ lại những ngày cơ cực, anh kể: “Tôi đã trải qua một tuổi thơ đầy vất vả và nhiều lo toan. Từ bé, cả gia đình tôi ở nhà thuê. Đó là một căn nhà nằm ngay bờ kênh, những lúc thủy triều lên, nước tràn vào cả nhà, anh em tôi phải múc từng thau nước đen ngòm tránh để không cho nước tràn vào bên trong phòng.
Gia đình tôi ở một khu xóm lao động nghèo mà trẻ con nơi ấy có vẻ thích chơi hơn là đi học. Sợ bị ảnh hưởng, một thời gian sau mẹ tôi đã chuyển chúng tôi đến một nơi ở tốt hơn. Và có lẽ cũng chính từ lúc đó, chúng tôi cũng đã đỡ phải ngửi mùi hôi thối bốc lên từ con kênh với rất nhiều rác thải và xú uế vào những ngày hè nóng bức,
Lớn lên một chút, tôi đã biết phụ mẹ đi chợ, lau nhà, rửa chén. Duy chỉ có việc nấu ăn là tôi không biết vì tôi vốn không khéo léo. Năm tôi lên cấp 3, mẹ bị trở bệnh, mọi thứ trong nhà cũng bán dần đi.
Không may mắn hơn khi lúc ấy, ba tôi lại rời xa chúng tôi, tôi gần như tuyệt vọng và hụt hẫng. Tôi nghiễm nhiên trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình, dù vẫn còn là cậu học sinh cấp 3.
Dẹp bỏ hết những ước mơ của mình (tôi từng đoạt được học bổng đi học Phổ thông trung học tại Mỹ), đam mê về võ thuật, chơi đàn, tôi tập trung lo cho việc học và gia đình.
Tôi biết, nếu tôi không phụ mẹ, mẹ tôi sẽ gục ngã, vì sức mẹ yếu lắm, lại mắc bệnh Pakison nên chân tay lúc nào cũng run lập cập… Có những ngày tôi túc trực bên giường bệnh, vừa cầm vở học thi, vừa phải đi mua cháo, dọn vệ sinh cho mẹ, tôi vẫn không sao quên được phút giây ấy.
Những ngày Tết, có đoàn phát chẩn từ thiện đến bệnh viện, mẹ tôi được tặng chút quà bánh và ít tiền. Lúc ấy, tôi tự nhủ với lòng, lớn lên phải làm thật nhiều điều tốt, để có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người.
Cuộc sống khó khăn khiến tôi phân vân giữa việc sẽ dừng lại đi làm hay cố gắng tiếp tục đi học. Năm ấy, tôi đỗ vào 2 trường lúc ấy là Nhân Văn và Bách Khoa. Cuối cùng tôi chọn học Bách Khoa, dù thật sự tôi muốn ra đi làm để lo cho gia đình. Vừa đi học, tôi vừa đi dạy kèm kiếm sống.
Ngày ấy, đồng lương dạy kèm của tôi ít lắm, chỉ 300 ngàn một tháng. Tôi dạy hai nơi, vì không muốn dạy nhiều ảnh hưởng đến việc học, mỗi tháng tôi được 700 ngàn. Buổi tối đi dạy, tôi đạp xe mấy cây số trong khi bụng lúc đói meo vì vừa tan trường về.
Túi không có nhiều tiền, tôi không dám dừng lại mua ổ bánh mì, vì sợ nếu không có tiền dằn túi, rủi xe có sự cố gì, lấy đâu ra mà sửa. Tiền kiếm được, tôi đưa cho mẹ phân nửa để lo cho gia đình, số còn lại tôi dằn túi.
Tôi học khá tốt nên năm nào cũng nhận được khoảng 3,4 học bổng. Những học bổng này giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống. Và rồi, tôi trưởng thành hơn qua những sóng gió của cuộc đời, mỗi lần nghĩ lại, mắt tôi lại đỏ hoe, nhưng tôi nghĩ gian khó dạy cho tôi bản lĩnh, và tôi may mắn vì mình đã có đủ bản lĩnh để vượt qua, không bị gục ngã trước số mệnh”.
Nguyên Khang tâm sự, người anh yêu nhất trên cuộc đời này là mẹ. Nhìn thấy mẹ phải khổ sở bươn chải, lo lắng cuộc sống cho ba anh em, anh luôn tự nhủ mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa: “Mẹ tôi vừa làm mẹ vừa làm cha. Mẹ tôi ngày xưa đẹp lắm, rất nhiều người theo đuổi. Định mệnh run rủi đưa mẹ đến với ba. Tuy nhiên, vì duyên phận, mẹ và ba không tiếp bước với nhau.
Sau đó, mẹ tôi có rất nhiều người đàn ông để ý và quan tâm, nhưng mẹ tuyệt nhiên không bước thêm bước nữa, vì mẹ lo cho chúng tôi, sợ lập gia đình thi dượng sẽ không yêu thương chúng tôi. Thế là mẹ ở vậy, tần tảo nuôi chúng tôi nên người.
Mẹ làm công việc nuôi dạy trẻ. Tôi còn nhớ, những lúc không đi học, tôi hay phụ mẹ xếp bàn ghế, đút cho các bé ăn…
Tôi thương mẹ nhất vì có gì ngon mẹ cũng nhường chúng tôi ăn trước. Mỗi lần nhìn mẹ phải gồng gánh lo cho gia đình, tôi tự nhủ với mình phải mạnh mẽ, phải can đảm đối mặt. Ngày ấy, dù trong bóp không quá 50 ngàn nhưng chưa bao giờ tôi phải ngửa tay ra xin tiền mẹ.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm, đó là khi tôi còn ở chung nhà với người bà con. Hồi ấy tôi thích ăn thịt bò lắm, đôi khi chỉ nhìn thôi mà suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nhà nghèo không có tiền, thịt bò lúc ấy lại khá đắt.
Biết tôi thích ăn, đôi khi mẹ lại dành dụm tiền mua khoảng 100 gram, 200 gram mua cho anh em tôi. Lúc đó, tôi tự nhủ với lòng, dù sau này tôi có khổ đến mấy, tôi cũng không bao giờ để mẹ tôi và các em tôi khổ. Cái thất bại của một thằng đàn ông là không lo được cho gia đình của mình.
Ngày trước, khi tôi còn học cấp 2, mẹ hay đèo anh em tôi lên thăm bà mỗi tối cuối tuần. Mẹ tôi rất hiếu thảo với bà, thế nên tôi lấy mẹ làm gương, dặn mình phải luôn hiếu thảo với mẹ. Sau này đi làm có tiền, đôi khi tôi dẫn mẹ đi mua đồ, thấy cái áo đẹp mua cho mẹ, mẹ bao giờ cũng nhìn giá rồi lại bảo không mua, áo còn nhiều, dù cả tủ đồ đôi khi chỉ có vài cái mặc đi mặc lại.
Thế nên, tôi luôn suy nghĩ, không được để mẹ khổ, mẹ thích gì tôi cũng cố gắng làm cho được. Vì tôi chỉ có mình mẹ trên đời. Sức khỏe mẹ kém, tôi chỉ mong mẹ ở bên tôi và các em được hạnh phúc và vui vẻ”.
Cũng có đôi lúc, cuộc sống khiến chàng trai nghị lực ấy cảm thấy mình mềm yếu. Mỗi khi rơi vào trạng thái đó, anh lại viết, viết cho vơi đi hết nỗi lòng để rồi lại vững vàng bước tiếp.
"Tôi có thói quen viết blog. Ngày xưa, khi còn Blog 360 độ, tôi thường hay viết những tâm sự của mình lên blog. Lúc đó tôi cũng chỉ là người bình thường, chưa làm MC. Những tâm sự của tôi cũng được các blogger khác đọc, chia sẻ và động viên.
Còn khi buồn, tôi nghe nhạc nhẹ nhàng cho vơi đi. Tôi hay nghe nhạc của Secret Garden cho nhẹ lòng, dù nó rất buồn. Tôi nghĩ, cuộc sống không thể tránh khỏi những cảm giác này, chỉ là một khoảnh khắc nào đó, cứ can đảm đối diện hơn là lẩn tránh.
Thật ra, tôi may mắn là những bế tắc trong cuộc sống đều có lời giải. Hoặc cũng có những ân nhân xung quanh lo lắng cho tôi. Tôi có một ân nhân người Nhật, ông Tanei Takeo, người mà tôi suốt đời luôn ghi nhớ công ơn vì đã giúp đỡ tôi suốt những năm đại học. Ông như một người anh lớn, dạy dỗ và chia sẻ với tôi.
Tôi có một người dì rất tuyệt vời, luôn giúp đỡ tôi mỗi lúc tôi rơi vào bế tắc. Dì như người mẹ thứ hai của tôi, dì lo lắng cho tôi từng chút một, thậm chí, khi tôi không biết tìm ai, tôi lại tìm đến dì…Và dù dì có giúp được hay không, tôi vẫn cảm thấy bình yên và hạnh phúc…", Nguyên Khang chia sẻ.
Những ngày tháng khó khăn ấy đã dạy Nguyên Khang tính cách không đầu hàng với số phận. Nhờ đó, khi bắt đầu theo nghề MC, biết mình nói rất dở, không có khiếu hài hước, sai phát âm và tông giọng khó nghe, anh cũng không nản lòng: "Tôi biết điểm yếu đó của mình và tôi tự nhủ: Làm MC mà không khắc phục được điểm này thì tốt nhất đừng làm. Tôi tập nói vào băng cát sét, tôi nghe đi nghe lại tiếng nói của mình, tôi tập đọc nhiều sách, xem những chương trình hài và quan sát. Tôi đúc kết cho mình, điều gì cần thiết để xây dựng cho mình một phong cách riêng.
Con đường trở thành một MC chuyên nghiệp của tôi không phải khó mà là rất khó. Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, những gì tôi có được hôm nay, nó có cả nước mắt và những giọt mồ hôi. Tôi từng sung sướng hạnh phúc khi cầm trên tay số tiền làm show đám cưới đầu tiên trong đời mình.
Tôi từng rớt nước mắt khi đi diễn rất xa mà bị người ta lừa tiền. Tôi từng đội mưa đi học lớp dạy về kỹ năng ăn nói không nghỉ buổi nào. Tôi từng buồn mất mấy ngày khi chỉ vì những hiểu lầm không đáng có mà mất đi một chương trình mình mơ ước…
Nhưng sau tất cả, tôi đứng dậy, mìm cười và bước tiếp. Tôi biết, không thành công nào trải đầy hoa hồng. Tôi chưa bao giờ đầu hàng số phận, vì tính tôi là thế. Bướng bỉnh nhưng quyết liệt, kiền trì và chịu khó…Nó đã tạo nên một tính cách cho tôi như ngày hôm nay".
Thậm chí khi phải đối mặt với những cạnh tranh trong nghề, anh cũng không hề cảm thấy bận lòng : "Với nghề này, sự cạnh tranh là luôn có. Đôi khi nếu quan hệ bạn tốt, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn cho nghề. Ngoài tài năng, việc có được mối quan hệ tốt với nhiều đối tác sẽ tạo tiền để cho bạn.
Sự cạnh tranh trong nghề còn có thể ở những lúc nói xấu nhau, sự đơm đặt, hạ giá cát sê hay những chiêu trò tiểu xảo để hại nhau.
Mỗi lần rơi vào trường hợp này, tôi lại chọn cách im lặng. Tôi để cho họ ngồi vào vị trí đó, họ muốn thế và tôi nhường. Tôi sẽ đi tìm một cơ hội khác, chứng tỏ năng lực của mình. Tôi nghĩ: Cái gì đi lên bằng tài năng thì sẽ lâu dài hơn là dùng thủ đoạn”.
Nguyên Khang tâm sự, nghề MC lấy đi của anh quá nhiều sức khỏe và thời gian. Hầu hết thời gian trong ngày anh đều dành cho công việc và di chuyển, lúc ở Hà Nội, khi ở Nha Trang, có lúc lại ra nước ngoài. "Tôi ngán đi máy bay và ăn cơm trên máy bay lắm, nhưng công việc thỉ chịu thôi, được cái là tính tôi không thích ngồi yên một chỗ", anh cười.
Nhưng dù vất vả, Nguyên Khang chưa bao giờ có ý định gác mic: "Nghề MC mang đến cho tôi nụ cười trong cuộc sống. Tôi lúc đầu đến với nó vì kiếm tiền nhưng giờ thì tôi sống với nó vì đam mê. Tôi đôi khi mê những giá trị mà mình đang tạo ra, những nụ cười của thính giả lắng nghe tôi trên radio sáng sớm, những vấp ngã mà tôi học được trong chặng đường mình đi, và quan trọng… tôi hạnh phúc vì nghề đã chọn mình".
Theo Tri thức trẻ
Cùng báo Đời sống và Pháp luật xem thêm clip: "Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả"