Sau khi Microsoft áp dụng chính sách này, năng suất lao động đã tăng lên 40%.
Mùa hè vừa qua, Microsoft thực thi một chương trình có tên "Thử thách cân bằng đời sống cá nhân và công việc" tại các văn phòng ở Nhật Bản. Điều này có nghĩa các nhân viên tại Microsoft Nhật sẽ được nghỉ tất cả các ngày thứ 6 trong tháng và họ chỉ phải làm việc 4 ngày/tuần.
Kết quả của chính sách này mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực với công ty. Trong khi thời gian làm việc bị cắt giảm nhiều thì năng suất lao động của nhân viên lại tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do thời gian làm việc bị giới hạn nên các nhà lãnh đạo đòi hỏi nhân viên phải giảm bớt thời gian họp và trả lời email. Cụ thể, họ yêu cầu mỗi buổi họp chỉ nên kéo dài không quá 30 phút.
Chính sách này đã đạt được những hiệu quả tốt và phổ biến trong công ty. Hơn 90% trong số 2280 nhân viên của Microsoft tại Nhật cho rằng họ đã quen với cách làm việc mới này.
Microsoft đã đưa ra những hành động kịp thời để giúp nhân viên cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Ảnh: ABC |
Microsoft đưa ra chương trình giảm giờ làm rất đúng thời điểm xã hội Nhật đang đang phải đối mặt với câu chuyện kiệt sức vì làm thêm giờ. Tại xứ mặt trời mọc, văn hóa làm việc quá giờ là chuyện khá phổ biến. Vấn nạn này ngày một nghiêm trọng đến mức còn xuất hiện một cụm từ để miêu tả những người trầm cảm vì làm việc nhiều. Cụ thể, "Karoshi" ám chỉ việc chết vì làm việc quá nhiều.
"Cơn ác mộng" này thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế sau cái chết của một nhân viên quảng cáo làm việc cho tập đoàn Dentsu nổi tiếng vào năm 2015. Giới chức Tokyo cũng thừa nhận việc nhân viên phải làm việc ngoài giờ quá nhiều.
Hai năm sau, một biên tập viên người Nhật cũng qua đời khi phải làm việc quá nhiều. Cụ thể, một tháng trước khi qua đời, cô gái trẻ đã dành 159 tiếng để làm việc ngoài giờ.
Vấn nạn này như một hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp cần đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết nó. Một số công ty đã linh hoạt hơn về thời gian cho nhân viên. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng triển khai một chiến dịch có tên "Ngày thứ 6 vàng" cho phép nhân viên được về sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng.
Minh Hạnh (Theo CNN)