Với những con số lộc phát lộc phát, dự án lấn biển 68,68ha, với tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng của Tập đoàn Phú Cường do ông Nguyễn Việt Cường làm chủ có lẽ sẽ hoàn thành theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường |
Ngày 29/7, Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang (Phú Cường Kiên Giang) đã khởi công dự án khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia, với quy mô 68,68ha có tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, Phú Cường Kiên Giang được thành lập từ năm 2008 do ông Huỳnh Hà Phương (SN 1984) làm Tổng giám đốc.
Trước thời điểm tháng 5/2017, công ty này có vốn điều lệ 790 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Phú Cường Kiên Giang đã giảm vốn xuống còn 200 tỷ đồng.
Nếu với mức vốn 200 tỷ đồng thì việc thực hiện dự án có tổng mức đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng của Phú Cường Kiên Giang gần như không thể.
Tuy nhiên, đứng đằng sau công ty này là Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Cường do doanh nhân Nguyễn Việt Cường (SN 1957) làm Chủ tịch HĐQT.
Theo giới thiệu trên website của Tập đoàn Phú Cường, tập đoàn này được thành lập đầu năm 2009, với vai trò nhà đầu tư tài chính của các công ty thành viên trong tập đoàn, với tổng số vốn điều lệ hơn 3.500 tỷ đồng.
Khởi đầu từ một doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa và nhỏ những năm đầu thập niên 1990, công ty đã liên tục phát triển và trở thành một tập đoàn lớn với hơn 20 công ty thành viên hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề.
Hiện nay, Tập đoàn Phú Cường tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: Đầu tư vào các dự án phát triển đô thị, nhà ở tại TPHCM và khu vực ĐBSCL; Đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL; Cung ứng các dịch vụ vận tải du lịch, nhà hàng và khách sạn.
Theo giới thiệu từ các công ty thành viên của Tập đoàn Phú Cường, một số dự án bất động sản đã và đang được triển khai như: Chung cư Bộ Công an; Nhà ở xã hội Công an TPHCM; Khu đô thị Phú Quý; Khu đô thị Phú Cường;…
Nói về doanh nhân Nguyễn Việt Cường, doanh nhân tuổi Ất Dậu này từng làm thuê cho các cơ sở mua bán nguyên liệu thủy sản tại địa phương. Sau đó, ông Cường lập một cơ sở thu mua thủy sản bán lại cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.
Năm 1995, khi nhà máy Tân Phú tại Cà Mau, cũng là nơi ông Cường cung cấp nguyên liệu rơi vào thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản, ông quyết định mua lại một phân xưởng của nhà máy này.
Sau đó, ông Cường thành lập Công ty TNHH Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Phú Cường (Phú Cường Tristar); tổ chức lại bộ máy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đến khách hàng trong, ngoài nước.
Từ những thành công bước đầu, ông Cường tiếp tục mua lại Công ty cổ phần Minh Hải Jotoco - một doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả.
Những năm sau đó, ông Cường mua lại rất nhiều doanh nghiệp khác của tư nhân và Nhà nước (trong đó có Công ty cổ phần Du lịch Minh Hải). Để rồi, cái tên Tập đoàn Phú Cường chính thức ra đời năm 2009.
Là Tập đoàn lớn với hơn 20 công ty thành viên, song Tập đoàn Phú Cường và ông Nguyễn Việt Cường chỉ thực sự biết đến rộng rãi, khi truyền thông nhắc đến đám cưới cả chục tỷ cho con gái, trong khi các doanh nghiệp thành viên đang nợ nần hàng trăm tỷ đồng.
Có thời điểm, ông Cường phải đề nghị được cấu trúc nợ với ân hạn dư nợ 3 năm, trả nợ trong 5 năm tiếp theo; miễn hoặc giảm lãi suất và áp dụng lãi xuất tốt nhất; xin cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp.
Dường như, giai đoạn khó khăn đã vượt qua, nên Tập đoàn Phú Cường và Phú Cường Kiên Giang quyết tâm khởi công dự án lấn biển 68,68ha với tổng mức 8.000 tỷ đồng.
THỦY TIÊN