Dự án Củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển Lộc Hà (giai đoạn 2) do liên danh Công ty TNHH Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần tập đoàn Hà Mỹ Hưng thi công.
Dự án trên được thực hiện qua đoạn qua xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế cũng như công tác phòng chống lụt, bão của vùng. Từ đó đòi hỏi năng lực thực sự của đơn vị thi công mới có thể đáp ứng tốt được nhiệm vụ đặt ra cũng như yêu cầu về chất lượng công trình phòng chống lụt, bão.
Thông tin về dự án công trình |
Công trình liên quan đến an sinh, an toàn của người dân
Thực tế PV có mặt tại hiện trường, cùng người dân đã chứng kiến sự cẩu thả, tắc trách, ảnh hưởng đến chất lượng công trình về lâu dài của đơn vị thi công.
Trước đó, PV liên tục nhận được thông tin phản ánh về Dự án công trình Củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển Lộc Hà (giai đoạn 2), đoạn qua xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà thi công cẩu thả. Chứng kiến tại hiện trường, PV có cảm giác, đơn vị thi công còn thể hiện thêm hành vi tắc trách bên cạnh sự cẩu thả.
Người dân Lộc Hà, Hà Tĩnh đều biết, công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của họ. Vì nó phục vụ công tác phòng, chống, lụt bão. Bảo vệ an toàn về người và tài sản cho nhân dân vùng ven biển xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện phát triển quỹ đất. Đồng thời, hoàn thiện để khép kín tuyến đê nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Đá với nhiều kích thước không đồng đều liệu có đảm bảo |
Tổng ngân sách cho dự án là 111 tỷ đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với dự án phòng chống lụt bão.
Thi công cẩu thả?
Theo ghi nhận của PV tại công trường, lúc 9h ngày 7/3, khi công nhân đang thi công thì rất cẩu thả, cả tuyến không có bất kỳ biển báo nào, thép rỉ sét vứt ngổn ngang, các cấu kiện đúc sẵn nứt nẻ, nham nhở từng đống đổ lên nhau.
Nhiều ống cống bị vỡ, nứt và nó được trát xi măng vào chỗ vỡ, nứt để che đậy những đường nứt. Trực tiếp PV chứng kiến cảnh tượng bê tông đổ lẫn lộn với đá rất bẩn và xấu trộn đều với nhau rồi đổ xuống nền đất....
Đây là một tuyến đê quan trọng đối với an toàn tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân địa phương và rộng hơn là dân trong vùng thế nhưng, trong quá trình thi công không hiểu vì sao nhà thầu vẫn thi công một cách cẩu thả và tắc trách như vậy.
Đặc biệt nghiêm trọng, trong quá trình thi công, PV chỉ ghi nhận được hình ảnh công nhân đang thi công còn không thấy cán bộ giám sát, đại diện chủ đầu tư, cán bộ kỹ thuật… đâu. Vậy ai đảm bảo nhà thầu đang trộn đúng tỷ lệ bê tông? Sự mất an toàn trên công trình ai chịu trách nhiệm?
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao với một dự án có tầm quan trọng như vậy mà vẫn được “bỏ qua” các khâu quan trọng trong thi công? Phải chăng có sự “mập mờ” nào khác? Câu hỏi này xin gửi về UBND huyện Lộc Hà cũng như các cấp có thẩm quyền ở Hà Tĩnh.
Chúng tôi sẽ cùng đồng hành cùng người dân với hy vọng, để dự án trọng điểm 111 tỷ đồng này thành tuyến đê huyết mạch đúng nghĩa.
Đặng An/Khỏe 365