Tác phẩm nghệ thuật có tên "Tĩnh vật" đã được lưu giữ trong nhiều năm , tại nhà kho của một bảo tàng mà hiện có tên gọi là Học viện Woodford ở Blue Mountains, bang New South Wales (Australia).
Sau khi Học viện này và toàn bộ tài liệu của toà nhà được hiến tặng cho Quỹ tín thác quốc gia Australia (National Trust of Australia), người ta đã tìm thấy bức tranh – một tác phẩm từ Thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan hồi thế kỷ 17.
Ông Julian Bickersteth, giám đốc điều hành công ty đảm nhận công việc trùng tu cho biết: "Đó là một khoảnh khắc hiếm có và cực kỳ thú vị. Bức tranh cổ có giá trị cao".
Sau khi loại bỏ lớp sơn bóng trong quá trình làm sạch, những người phục chế đã phát hiện ra một chữ ký nhỏ khắc vào gỗ bằng dao. Theo các chuyên gia, đây là bức tranh của Gerrit Willemsz.Heda ở Haarlem vào thế kỷ 17.
Bức tranh vẽ một chiếc bàn cùng khăn trải màu trắng, một chiếc bánh nướng thịt băm, các loại hạt và bánh nướng xốp, cùng một chiếc cốc bằng bạc, cùng cả đồ thủy tinh.
Gerrit Willemsz.Heda chỉ khoảng 17 tuổi vào thời điểm hoàn thành tác phẩm. Người họa sĩ chính là con trai họa sĩ tranh tĩnh vật nổi tiếng người Hà Lan thế kỷ 17 Willem Claesz.Heda.
Giá trị của tác phẩm nghệ thuật vẫn đang được đánh giá, nhưng các chuyên gia tin rằng nó có thể trị giá hàng triệu USD. Các tác phẩm của Willem Claesz thường được định giá khoảng 4 đến 5 triệu đô la Úc (2,9 đến 3,7 triệu USD).
Quản lý bộ sưu tập của National Trust - bà Rebecca Pinchin cho biết trong thông cáo báo chí: "Việc tìm ra một bức tranh nguyên gốc từ thế kỷ 17 trong nhà kho ngay tại quỹ tín thác thật là thú vị, nếu không muốn nói là cực kì ngạc nhiên.
Để tìm được chữ ký của nghệ sĩ là cơ hội có một không hai. Đây là một câu chuyện khám phá đáng chú ý, khi chúng tôi tham gia vào một cuộc hành trình xuyên suốt nhiều năm, chắp nối mảnh ghép và xác thực tính nguyên gốc tác phẩm thông qua tư vấn của các chuyên gia và sự hỗ trợ của công nghệ".
Bức tranh sẽ được trưng bày trong khuôn khổ Lễ hội Di sản Australia 2022 tại Học viện Woodford, Blue Mountains, vào ngày 14/5 tới đây.
Mộc Miên (Theo CNN)