Đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề ngày 20/7/2020 có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI.
Theo tin tức từ báo Vietnamnet, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho ý kiến về báo cáo của bộ Công Thương liên quan đến giải quyết phản ánh, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.
Kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có đề cập đến quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee”. Đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề ngày 20/7/2020 có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI.
Theo tờ Nhà báo và Công luận, sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia đã giao bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết đơn phản ánh này.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Thanh Niên |
Được biết ngày 28/8/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã làm việc với đại diện ủy quyền của Trung Nguyên. Đến ngày 24/9/2020, cơ quan này tiếp tục nhận được đơn tố cáo đề ngày 11/9/2020 của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với nội dung tương tự như đơn kiến nghị, phản ánh trước đó.
Gần đây nhất, ngày 8/12/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan của 5 Bộ ngành để họp bàn, trao đổi hướng xử lý đối với kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tham dự cuộc họp này có đại diện Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (bộ Tư pháp); Thanh tra Bộ, Cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Hải quan (bộ Tài chính); Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (bộ Công an); Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Thanh tra Bộ, Cục xuất nhập khẩu, Vụ pháp chế (bộ Công Thương).
Tuy nhiên, tại cuộc họp này, các bên đều có ý kiến rất khác nhau trong việc xử lý vụ việc giữa các cơ quan đơn vị liên quan, nhất là về quyền sở hữu nhãn hiệu Trung Nguyên và G7.
Cuối cuộc họp, Tổng cục Quản lý Thị trường chỉ đưa ra kết luận là do có nhiều ý kiến rất khác nhau, và kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều lực lượng: Quản lý thị trường, Hải quan, Công an... nên cần có sự thống nhất chỉ đạo của cấp trên các cơ quan này trong quá trình giải quyết vụ việc.
Đáng chú ý, ngày 24/12/2020 trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ Công Thương cho rằng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn không có căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm theo đơn yêu cầu, kiến nghị của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, lực lượng xử lý vụ việc nêu trên và đề nghị ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên tiếp tục thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, Bà Thảo và ông Vũ sống với nhau hơn 20 năm, có 4 con chung. Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm, chấp thuận họ ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi dưỡng các con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học. Ngoài việc phân chia tài sản, bất động sản theo thoả thuận của hai bên, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo đối với cổ phần bà sở hữu. Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ, ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 70/30, VKS kháng nghị hủy án. Cuối năm 2019, TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Bà Thảo đã làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. |
Hoàng Yên (T/h)