(ĐSPL) - Hàng chục hộ kinh doanh ăn uống, dịch vụ trên vịnh Nha Trang có nguy cơ phá sản cơ nghiệp khi nhận được thông báo bất ngờ của UBND TP.Nha Trang về việc đình chỉ hoạt động đối vời các bè phục vụ du lịch trên vịnh Nha Trang theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Nguy cơ phá sản nhãn tiền
Phản ánh của hơn chục hộ kinh doanh ăn uống trên vịnh Nha Trang tới báo ĐS&PL cho biết, thời gian qua họ bất ngờ nhận được Thông báo số 752/TB-UBND-VNT của UBND TP.Nha Trang (ký ngày 30/8/2016) về việc đình chỉ hoạt động đối với các bè phục vụ du lịch trên vịnh Nha Trang theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Điểm lạ của quyết định này là từ thời gian ra thông báo cho tới khi có hiệu lực chỉ trong vòng 10 ngày. Các hộ dân cho rằng chỉ đạo gấp gáp này khiến họ gần như phá sản vì phải đóng bè mới theo quy định với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, trong khi bè cũ truyền thống họ vừa làm chưa trả hết nợ đi vay.
Nhà hàng nổi của người dân trên vịnh Nha Trang |
Bà Phan Thị Chiến (SN 1969, trú tại tổ 2, khóm Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) - một chủ bè cho biết: “Chúng tôi vốn là những ngư dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang được hơn 15 năm. Tuy nhiên do những năm gần đây thời tiết thay đổi nên việc nuôi trồng hay bị thua lỗ nên năm 2014, gia đình chúng tôi cố gắng đi vay mượn hàng trăm triệu đồng để chuyển từ bè nuôi trồng thủy sản sang bè phục vụ ăn uống. Khi thực hiện mô hình này, chúng tôi có đăng ký giấy phép kinh doanh, đóng thuế và đáp ứng điều kiện về chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan nhà nước. Ấy nhưng ngày 7/9 vừa qua, các cơ quan ban ngành có mời chúng tôi đến ban quản lý vịnh Nha Trang để họp bàn về việc đình chỉ hoạt động dịch vụ du lịch của chúng tôi. Nói thực là gia đình tôi quá bất ngờ và sốc bởi chúng tôi vừa vay thêm mấy trăm triệu đồng để mở rộng diện tích kinh doanh. Giờ mọi chuyện bất ngờ thế này gia đình tôi trở tay không kịp. Chúng tôi lấy tiền đâu ra để trả nợ cũng như làm bè mới đáp ứng theo tiêu chuẩn bây giờ”.
Anh Trần Quang Thuần, một chủ bè khác giãi bày: “Buổi họp ngày 7/9 vừa rồi, họ có yêu cầu chúng tôi phải thay đổi cơ sở hạ tầng bằng chất liệu composite, nhôm, sắt với giá 15.000.000/m2. Như vậy với một bè có diện tích bé nhất là 100 m2 thì chi phí cũng lên tới 1,5 tỷ đồng. Ngư dân chúng tôi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy, trong khi tiền vay để mở rộng bè cũ vẫn chưa trả được đồng nào. Thậm chí có ra ngân hàng vay tiền thì họ cũng không cho vay vì chúng tôi không có tài sản thế chấp. Từ khi nhận được thông báo tới nay, các hộ chúng tôi không thể nào ngủ được vì ngoài nguy cơ phá sản, cuộc sống mưu sinh trước mắt cũng không biết thế nào”.
Bà Lê Thị Lượm, một chủ bè trong vịnh Nha Trang nghẹn ngào: “Tôi năm nay hơn 60 tuổi, cả đời sống ở đây nhưng chưa từng rơi vào hoàn cảnh khổ sở thế này. Thôi thì nhà nước yêu cầu chuyển đổi sang bè mới cũng được nhưng cũng phải cho chúng tôi thời gian 1 – 2 năm để chúng tôi trả xong nợ đã. Chứ đùng một cái họ đình chỉ, rồi bắt dùng bè mới thì dân nghèo chúng tôi xoay đâu ra tiền. Chẳng lẽ lôi nhau lên bờ đi ăn mày?”.
Chúng tôi sẽ ghi nhận nguyện vọng của bà con
Để làm rõ vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dần, Phó giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa. Ông Dần thừa nhận do việc buông lỏng quản lý ở địa phương nên mới xảy ra tình trạng nhiều bè nổi phục vụ ăn uống mọc lên trên vịnh Nha Trang. “Qua việc kiểm tra của đoàn liên ngành, chúng tôi thấy những bè nổi phục vụ ăn uống của bà con không đủ điều kiện pháp lý, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để hoạt động. Giờ có hai hướng xử lý. Một là bà con trả lại nguyên trạng là bè nuôi trồng thủy sản ban đầu. Hai là bà con phải đóng bè mới theo thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Bà còn rất lo lắng trước thông báo bất ngờ của UBND. TP. Nha Trang |
Trước câu hỏi, tại sao những bè nổi phục vụ ăn hoạt động mấy năm nay mà không cơ quan nào biết, thậm chí còn cấp phép kinh doanh, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp mã số thuế … thì ông Dần cho biết: “Họ lấy địa điểm trên bờ để đăng ký”. Trước câu hỏi về chất lượng bè đóng mới có đảm bảo hay không? Ông Dần nói: “Việc an toàn hay không là do cơ quan đăng kiểm họ quyết định”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Bình Thái, Phụ trách Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết: “Chúng tôi cũng biết những khó khăn của bà con khi nhận được thông báo số 752. Ban quản lý chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép các bè nỗi phục vụ du lịch được tạm thời hoạt động đến hết năm 2016 để họ có thời gian chuẩn bị, tính toán cho hợp lý”.
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Đây là chủ trương đúng đăn của UBND tỉnh về việc quản lý bè nổi trên toàn địa bàn tỉnh Khánh Hòa chứ không phải chỉ ở Nha Trang với mục đích bảo đảm an toàn tính mạng con người, bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi đã nhận được đơn của các hộ ngư dân và đã giao cho UBND TP. Nha Trang trả lời công dân. Tỉnh hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và chắc chắn sẽ tạo điều kiện để bà con sắp xếp lại công việc kinh doanh. Cái nào hợp lý thì làm, không hợp lý thì bỏ, với tinh thần là lắng nghe ý kiến nhân dân”.
Liệu bè mới có tốt hơn bè cũ? Anh Hồ Ngọc Đáng, một chủ bè cho biết: “Bè của chúng tôi là bè truyền thống, được lắp ghép từ rất nhiều thùng phuy nhựa cứng (dạng phao) buộc kết hợp với cây gỗ. Kinh nghiệm mấy chục năm của dân trong nghề chúng tôi thấy rằng, chưa từng xảy ra sự cố nào với bè kiểu này. Nhưng mới đây tôi có nghe truyền hình đưa tin về một nhà hàng nổi được lắp ghép bằng các thùng composite bị chìm trên vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Chúng tôi thắc mắc không hiểu, bè làm bằng chất liệu mới có tốt hơn bè truyền thống hay không? |
Phạm Văn
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]xSyTNJGC1v[/mecloud]