Theo các bác sĩ, hiện bé sơ sinh đẻ non được tìm thấy trong thùng rác vẫn đang cần được chăm sóc đặc biệt và chưa qua thời kỳ nguy hiểm.
Mới đây, tại bệnh viện huyện Trấn An, Thương Lạc, Thiểm Tây, Trung Quốc, một nhân viên khi đang quét dọn vệ sinh đã phát hiện trên thùng rác có nhiều vết máu. Người phụ nữ này quyết định đi xem và phát hiện một trẻ sơ sinh thoi thóp giữa những túi rác.
Nhận được tin báo, các y bác sĩ có mặt tại hiện trường cho biết, đứa trẻ nằm im trong thùng rác, không khóc không động đậy, hô hấp yếu và đôi khi có tình trạng gián đoạn nhịp tim. Bé không được quấn tã hay mặc quần áo. Cơ thể của em còn dính nhiều máu do chưa được vệ sinh sau khi chào đời.
Đứa trẻ được cấp cứu ngay khi lấy ra khỏi thùng rác. Ảnh: Sina |
Do tình trạng bé rất nguy kịch, không thể hô hấp tự chủ kèm co giật nên đã được chuyển đến bệnh viện Sản nhi Trấn An để cứu trị.
Tại đây, bé được chẩn đoán đẻ non ở tuần thứ 30, trọng lượng chỉ đạt 2,15 kg. Do đẻ non, cơ quan hô hấp và tim mạch vẫn chưa hoàn thiện, lại thiếu máu sơ sinh, nên bé cần được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp chuyên dụng. Hiện tại, bé vẫn chưa qua thời kỳ nguy hiểm.
Thông qua hệ thống camera giám sát, công an huyện Trấn An xác định người vứt bé trong thùng rác nhà vệ sinh chính là mẹ ruột và đã tạm giữ cô ta để điều tra.
Nhiều vụ việc khác từng khiến dư luận kinh hãi về những hành vi vứt bỏ con mới sinh của những cô gái trẻ. Họ có thể là công nhân, lao động tự do, hay thậm chí học sinh sinh viên các trường cao đẳng, đại học.
Đây là một thực trạng đáng báo động khi không ít cô gái không có hiểu biết về các giá trị của tình yêu, sự tôn trong và trách nhiệm. Dễ dãi trong lối sống, dễ dàng quan hệ tình dục nhưng lại thiếu kiến thức để bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, trong khi lại thiếu kỹ năng để đối mặt với trách nhiệm của hành vi bản thân.
Bé được điều trị đặc biệt trong lồng ấp chuyên dụng theo dõi 24/24. Ảnh: Sina |
Hậu quả đau lòng xảy ra là những đứa trẻ bị vứt bỏ, phải chết thương tâm khi vừa mới lọt lòng. Người mẹ dù bị lên án bởi hành vi nhẫn tâm hay kết tội hình sự thì cuộc sống của một con người vô tội cũng đã không thể vãn hồi được.
Theo các nhà xã hội học, để hạn chế những vụ việc thương tâm trên, nền tảng chính vẫn là giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống chứ không chỉ giáo dục kiến thức. Đồng thời, cần phải mạnh mẽ lên án lối sống buông thả, dễ dãi, hưởng thụ của một bộ phận người trẻ trong xã hội.
Minh Khôi(T/h)