Liên quan đến vụ "Trưởng phòng Tư pháp huyện bị đâm trọng thương", Cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Long vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Ai về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Báo Công an TP HCM dẫn nguồn thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long ngày 17/3 cho biết cơ quan này vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Văn Ai (50 tuổi, ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó, người nhà nghi phạm Ai đã cung cấp cho cơ quan điều tra một số giấy tờ chứng minh người này từng có tiền sử bệnh tâm thần. Theo đó, ông Ai từng đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai).
Lực lượng công an khống chế nghi can đâm trọng thương Trưởng phòng Tư pháp huyện - Ảnh: Vietnamnet |
Tuy nhiên, do giấy này có trước đó từ năm 2004 (tức 13 năm) thời gian quá lâu nên cơ quan điều tra đã làm thủ tục giám định lại nhằm bổ sung hồ sơ để có hướng xử lý tiếp theo.
Cùng đưa tin về vụ việc, báo Dân Trí cũng dẫn nguồn thông tin từ cơ quan điều tra cho hay, do có mâu thuẫn cá nhân, sáng 10/3, Ai là nhân viên phòng tư pháp huyện Trà Ôn mang theo dao đến cơ quan đâm trọng thương ông Nguyễn Văn Đợi (56 tuổi) - Trưởng phòng tư pháp. Sau khi gây án, Ai về nhà cố thủ nhiều giờ liền. Lực lượng Cảnh sát đã khống chế nghi phạm, tạm giữ điều tra. Còn nạn nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu và đã qua cơn nguy kịch .
Báo Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Nguyễn Văn Ny, trưởng khu 3, thị trấn Trà Ôn cho hay, trước khi vụ án xảy ra ông Ai có tinh thần không ổn định, đuổi vợ ra khỏi nhà. Hai năm trước đó, con trai duy nhất của ông này nhảy cầu Cần Thơ tự tử, gây sốc với gia đình.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp