Cơ quan CSĐT bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam ông Đinh Hồng Hải, Chủ tịch công ty Tân Hồng Uy để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Đinh Hồng Hải, Chủ tịch công ty Tân Hồng Uy. Ảnh: Bộ Công an |
Tối 6/6, cơ quan CSĐT bộ Công an (C03) cho biết, đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH thương mại, xây dựng, kinh doanh nhà Tân Hồng Uy (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM), Công ty cổ phần Otran Miền Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Theo đó, cơ quan CSĐT bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Hồng Hải (Chủ tịch HĐTV công ty Tân Hồng Uy) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu cho hay, có căn cứ xác định ông Đinh Hồng Hải có hành vi sử dụng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bán cho 13 hộ dân làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng của công ty cổ phần Otran miền Nam vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chiếm đoạt trên 80 tỷ đồng.
Ngày 3/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đinh Hồng Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn Quyết định và Lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan CSĐT bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định.
Hiện cơ quan CSĐT bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương mở rộng điều tra vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để kê biên, thu hồi triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự 2015) 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Thủy Tiên (T/h)