Theo lời một số quan chức quốc phòng Mỹ, Lầu Năm góc sẽ sớm công bố quyết định rút quân khỏi Đức trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng có bất đồng ngày một lớn với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức sẽ được cắt giảm khoảng 1/3, xuống dưới ngưỡng 25.000 người. Ảnh: Getty Images |
Theo tờ Washington Post và Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua kế hoach về cắt giảm khoảng 1/3 số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức, đưa tổng số quân Mỹ đóng tại đây về dưới ngưỡng 25.000 quân thay cho mức 34.500 quân như hiện nay.
“Về việc rút một phần quân đội Mỹ, chúng tôi ghi nhận điều này. Chúng tôi đánh giá cao việc hợp tác với các lực lượng Mỹ qua nhiều thập kỷ. Đó là vì lợi ích của cả hai nước “, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói trong một cuộc phỏng vấn với Bild am Sonntag.
Ông Maas cũng thừa nhận có vấn đề trong mối quan hệ giữa Đức với Mỹ. Ông nói rằng: “Chúng tôi là đối tác thân thiết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng chuyện này rất phức tạp”.
Kế hoạch cắt giảm binh sĩ này do Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell thúc đẩy và được đưa ra thảo luận kín tại Nhà Trắng. Bản kế hoạch được cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien ký ban hành sau khi được Tổng thống Trump chấp thuận.
Nguồn thạo tin giấu tên cho biết kế hoạch này được đưa ra bàn luận trong nhiều tháng và được ông Trump chấp thuận khi ông chủ Nhà Trắng có bất đồng ngày một lớn với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel đã từ chối lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 từng được lên lịch tổ chức trong cuối tháng này, với lý do sức khỏe.
Như vậy, sau khi Mỹ rút 9.500 quân, sẽ chỉ còn khoảng 25.000 lính Mỹ đóng quân tại Đức. Mỹ đóng quân nhiều nhất tại Đức ở châu Âu, sau đó đến Italy và Anh, theo Reuters.
Tính đến cuối ngày 5/6, Đức chưa nhận được thông báo chính thức từ Mỹ về quyết định rút quân này. Hiện cũng chưa rõ các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã được tiếp cận thông tin về kế hoạch này hay chưa.
Mối quan hệ giữa Đức và Mỹ đã đi xuống kể từ khi Tổng thống Trump nắm quyền. Mỹ đã nhiều lần thúc giục Đức tăng chi tiêu quốc phòng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cáo buộc Đức bị Nga chi phối khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng khí đốt của Nga.
Bạch Hiền (t/h)