Theo VTC News, trong phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 8/11, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai chiến lực vaccine rất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.
Tính đến hết ngày 7/11, Việt Nam đã tiêm được hơn 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine.
Số lượng vaccine hiện đã dảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Báo Tin Tức dẫn lời Bộ trưởng bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động trong nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348/QĐ-CP ngày 5/12/2016 xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47 và 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011, hiện đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng năng lực phòng, chồng dịch, đặc biệt là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Thời gian tới, Chính phủ và bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
Được biết, bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Đinh Kim(T/h)