Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và các tiềm lực của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn dân, trong đó Bộ đội Biên phòng (BĐBP) làm nòng cốt, chuyên trách. Đây là cơ sở, nền tảng của thế trận biên phòng toàn dân, luôn gắn kết chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.
Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (3/3/1959 – 3/3/2014), lực lượng BĐBP luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tổ chức, giáo dục và rèn luyện; được các bộ, ban, ngành và nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đùm bọc, giúp đỡ. Đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để lớp lớp cán bộ, chiến sĩ BĐBP giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng lực lượng không ngừng trưởng thành và ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, thường xuyên, trực tiếp ở khu vực biên giới. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới, tạo nền tảng để xây dựng nền biên phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố đặc biệt quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới.
Từ thực tiễn công tác vận động quần chúng (VĐQC), xây dựng và bảo vệ biên giới ở các địa phương, nhằm phát huy trách nhiệm và sức mạnh của cả nước, của toàn dân, của tuyến sau với tuyến trước phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng ủy và Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu với Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/2/1989 về tổ chức "Ngày Biên phòng" trong cả nước (từ 3/3/1989).
Đây là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, vừa thể chế hóa cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia”, vừa là bước chuyển biến mới về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới, khẳng định rõ hơn vai trò của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và tạo động lực mạnh mẽ của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; tạo hành lang pháp lý cho công tác VĐQC của các cấp, ngành, địa phương hướng về biên giới, biển, đảo.
Bữa cơm nghĩa tình cho học trò nghèo ở Đồn Biên phòng 721 (BĐBP tỉnh Gia Lai) Ảnh: Q.H |
Những năm qua, công tác VĐQC của BĐBP đã thực sự đổi mới, không chỉ dừng lại ở “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương), mà cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”.
Công tác VĐQC đã đi vào các lĩnh vực cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, như: Giúp đỡ nhân dân cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất, khám chữa bệnh, dạy chữ cho đồng bào, triển khai các chương trình, dự án KT-XH, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển đảo...
Qua đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hướng dẫn và tổ chức nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới theo hướng nhân dân tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự đến từng xóm, bản. Công tác tuyên truyền, VĐQC của BĐBP ngày càng thiết thực, phù hợp với đối tượng, đi vào quần chúng, để đồng bào hiểu, làm theo. Và hiệu quả tuyên truyền cao nhất là BĐBP đã thực hiện “nói đi đôi với làm”, giúp dân bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất.
Tháng 6/2003, Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 3) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 3/3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân. Đến nay, qua 25 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2014), các phong trào “Quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới”, “Cả nước hướng về biên giới, hải đảo” và nhiều phong trào khác đã được hình thành, phát triển sâu rộng. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới, biển đảo thực sự là những cán bộ dân vận giỏi; trở thành những “thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh” và “cán bộ xã quân hàm xanh”, được nhân dân mến phục, tin yêu.
Cùng với tổ chức quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ tư lệnh BĐBP…, lực lượng BĐBP có nhiều sáng kiến, chủ động ký kết nhiều chương trình phối hợp với: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bộ đội Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu (BĐBP tỉnh Lai Châu) tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: T.H |
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", từ năm 1999 đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn (hiện có 339 cán bộ biên phòng tăng cường cho 339 xã biên giới đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều đồng chí giữ chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phó chủ tịch UBND xã).
Đội ngũ cán bộ tăng cường đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển KT-XH, củng cố QP-AN; củng cố, xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tham mưu xây dựng quy chế làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, từng bước đưa chế độ sinh hoạt, công tác của các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể đi vào nền nếp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể xã. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở các tuyến biên giới chặt chẽ hơn, uy tín của BĐBP với địa phương và các ngành được nâng cao, qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, hải đảo.
Để giúp địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, BĐBP đã triển khai hơn 110 dự án kinh tế vừa và nhỏ, với tổng số vốn gần 1.040 tỷ đồng; nhiều dự án rất thiết thực, đạt hiệu quả cao. Bà con đồng bào biên giới biết ơn sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh BĐBP được giao trực tiếp thực hiện nhiều dự án và là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới. Những công trình “điện, đường, trường, trạm”, đặc biệt là đường tuần tra biên giới được quan tâm đầu tư xây dựng, vừa tạo diện mạo mới, khởi sắc cho vùng biên, vừa là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biên cương Tổ quốc, góp phần quan trọng phát triển KT-XH vùng biên giới, đẩy mạnh giao thương, hợp tác phát triển hai bên biên giới.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới, biển, đảo từng bước được cải thiện và nâng cao; cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp…, càng tạo lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân, giúp bà con yên tâm gắn bó xây dựng và bảo vệ biên cương, xây dựng “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân” ngày càng vững chắc.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX…, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng BĐBP tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, đoàn kết phấn đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng, phục vụ tốt đường lối đối ngoại của Đảng; xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết thống nhất, nâng cao khả năng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách và nguồn lực tại chỗ hết sức quan trọng là quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, biển, đảo. Xây dựng và bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là vấn đề chiến lược quan trọng, cấp thiết, thể hiện chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 55 năm Ngày truyền thống BĐBP, chúng ta tự hào ôn lại và phát huy những thành tích, chiến công của lực lượng BĐBP, đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước.
Mặc dù còn những khó khăn về biên chế, tổ chức, cơ sở vật chất và đời sống, nhưng toàn lực lượng BĐBP luôn nỗ lực, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, chú trọng xây dựng tổ chức đảng TSVM, xây dựng lực lượng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Để hoàn thành tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách và nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, toàn lực lượng BĐBP cần tiếp tục nắm vững tư tưởng chỉ đạo: Chủ động, tích cực, bảo vệ từ xa, kết hợp giữa xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận biên phòng toàn dân; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới, biển, đảo vững mạnh; nắm vững quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên định về chiến lược, mềm dẻo về sách lược trong xử lý các tình huống.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ biên phòng, toàn lực lượng phải dựa chắc vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị; kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN và mở rộng quan hệ đối ngoại; gắn bảo vệ an ninh biên giới với an ninh nội địa... Tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo QĐND