(ĐSPL) - Sáng nay (25/11), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Tokage và đang di chuyển vào vùng Biển Đông.
Tin tức trên VTC cho biết, dự báo, bão Tokage sẽ vào Biển Đông vào sáng sớm 26/11, trở thành cơn bão số 9 năm 2016.
Hồi 7h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 9 - 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão Tokage di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 26/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 500km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 11.
Đường đi và vị trí cơn bão. Ảnh: VTC. |
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Tokage có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó là Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 27/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 11.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11, sóng biển cao 3 - 5 mét. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Báo Thanh niên đưa tin, theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đến thời điểm hiện tại, bão ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhưng hoàn lưu bão có thể kết hợp với không khí lạnh trên đất liền, trong những ngày tới sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh trung Trung Bộ.
Theo đó, mưa lớn sẽ bắt đầu từ ngày 29/11 - 4/12 với vùng mưa kéo dài từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà. Dự báo tổng lượng mưa cả đợt này dao động trong khoảng 200 - 400mm.
Còn tại các tỉnh Bắc bộ, không khí lạnh sẽ được tăng cường liên tục, nên đợt rét này còn kéo dài sang đầu tháng 12.
Luật phòng, chống thiên tai Điều 17. Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai 1. Hoạt động xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai bao gồm: a) Quan trắc, thu thập, cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin từ hệ thống quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai; b) Đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai; c) Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương phục vụ cho việc chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 18. Cấp độ rủi ro thiên tai 1. Rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ. Cấp độ rủi ro thiên tai là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. 2. Tiêu chí phân cấp độ rủi ro thiên tai bao gồm: a) Cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai; b) Phạm vi ảnh hưởng; c) Khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường. 3. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
BẢO KHÁNH (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]nF5TXvgp3a[/mecloud]