Bảo tàng Nghệ thuật đương đại OCT (OCAT) ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã hứng chỉ trích gay gắt vì buổi triển lãm xếp hạng nhan sắc 5.000 nữ sinh từ "đẹp nhất tới xấu nhất". Được biết, buổi triển lãm này do nghệ sĩ Song Ta, người gây dựng sự nghiệp từ những lần xuất hiện gây tranh cãi.
Bộ sưu tập các bức ảnh được hoàn thiện vào năm 2013, mang tên "Uglier and Uglier". Trong phần giới thiệu về bộ sưu tập này, Song cho biết anh đã ở trong khuôn viên trường đại học và ghi lại hình ảnh những người phụ nữ đi ngang qua. Sau đó, anh ấy đánh giá nhan sắc và đánh số thứ tự từ đẹp tới xấu đối với các nữ sinh theo quan điểm của mình.
Trong đó, Song nói: "Nếu bạn muốn nhìn thấy hoa khôi đại học, bạn phải đến bảo tàng càng sớm càng tốt. Nếu không, khi hoàng hôn đến, nó sẽ trở thành một địa ngục trần gian".
Song cho biết anh đã thuê 3 trợ lý cho dự án trên, cẩn thận phân loại 5.000 phụ nữ. Theo đó, khi họ đến phần "xấu xí", họ đặt tên cho các thư mục là "xấu xí có thể chấp nhận" và "xấu xí không thể chấp nhận". Song chia sẻ: "Cuối cùng, thật đáng sợ. Họ là những người bình thường, không thiếu một cánh tay, một tai hay một con mắt, nhưng lại xấu xí đến mức khiến mọi người khó chịu".
Dư luận Trung Quốc nhận định việc xếp hạng nhan sắc nữ sinh là vô cùng phản cảm và xúc phạm người khác. Bên cạnh đó, những người phụ nữ này cho biết họ không hề được hỏi ý kiến trước khi hình ảnh của họ được sử dụng.
Lên tiếng về vấn đề này, đại diện Bảo tàng OCAT cho biết bảo tàng sẽ ngay lập đức gỡ bỏ bộ sưu tập này, đồng thời đưa ra tuyên bố trong một bài đăng trên Weibo: "Sau khi nhận được chỉ trích, chúng tôi đã đánh giá lại nội dung của tác phẩm nghệ thuật này và lời giải thích của nghệ sĩ, chúng tôi nhận thấy tác phẩm này không tôn trọng phụ nữ và có vấn đề vi phạm bản quyền. Là một bảo tàng hỗ trợ sự đa dạng, chúng tôi sẽ coi đây là một lời cảnh báo, cải thiện dịch vụ của mình và đối xử với tất cả mọi người bằng sự cảm thông".
Lời xin lỗi trên càng khiến người dùng Weibo phẫn nộ. Một người để lại bình luận: "Tác phẩm nghệ thuật này không chỉ xúc phạm mà còn vi phạm quyền chân dung của cá nhân và những người phụ nữ này thậm chí không biết họ đang bị ghi hình".
Trong khi đó, một người dùng khác nhận xét: "Tác phẩm nghệ thuật cần phải có giá trị tốt. Tôi không thể gọi Song là một nghệ sĩ vì những gì anh ta làm".
Minh Hạnh (Theo SCMP)