(ĐSPL) - Bão số 4 đã gây mưa to, gió mạnh ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; nhiều nơi bị mất điện và ngập cục bộ.
Mưa lớn gây ngập đường Vũ Bảo, TP Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh Vnexpress) |
Tại Bình Định, vào khoảng 22h ngày 29/11, gió mạnh đã xuất hiện tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), một số tuyến đường chính của TP Quy Nhơn như Nguyễn Thị Định, Ngô Mây, An Dương Vương... bị cúp điện.
Đến 1h ngày 30/11, mưa to và gió vẫn giật mạnh. Đường quốc lộ ven biển qua Quy Nhơn hiện ngập cục bộ tại bến xe liên tỉnh khiến các xe tải chạy tuyến Bắc Nam phải vòng qua nội thành TP Quy Nhơn, báo Vnexpress thông tin.
Nửa giờ sau, tuyến đường ngập cục bộ đã thông, các xe khách, xe tải đã đi lại bình thường từ bến xe liên tỉnh Bình Định đi ngã ba Phú Tài.
"Mưa đã ngớt. Nhưng gió rất khủng khiếp. Cảm giác như gió muốn xé toan mọi mọi thứ. Khủng khiếp quá", độc giả ở đường Nguyễn Huệ, Quy Nhơn thông tin.
Tỉnh này đã trải qua ít nhất 3 giờ bị gió bão hoành hành
Đến 3h sáng cùng ngày, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, bão đã tan dần nhưng thiệt hại do bão gây ra chưa thể thống kê.
Tại tỉnh Phú Yên, theo tin tức trên báo Người lao động, sau trận mưa lớn vào buổi chiều làm một số vùng trũng thấp như Phú Lễ, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa bị ngập nặng; đến 20h ngày 29/11, lượng mưa giảm nhưng gió bắt đầu thổi mạnh làm cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP Tuy Hòa bị ngã. Lúc 20h40 phút, cả TP Tuy Hòa bị cúp điện do nổ bình biến thế tại khu vực Nhà máy Bia Tuy Hòa.
Gió giật mạnh tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên (Ảnh Tuổi trẻ). |
Ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết trên báo Tuổi trẻ, đến 22h30 tối ngày 29/11, tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 3.000 dân ở các vùng xung yếu đến nơi tránh trú, trong đó có toàn bộ dân cư vùng triều cường xóm Rớ (P.Phú Đông, TP Tuy Hòa).
Giám đốc Điện lực Phú Yên Trần Văn Khoa cho hay lúc 21h, do mưa gió lớn gây phóng điện làm mất điện cục bộ ở khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên.
Lúc 22h, toàn thị xã Sông Cầu bị cắt điện để đề phòng mưa gió lớn gây sự cố nghiêm trọng.
Chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự cho biết bão tan lúc gần 2h. Sơ bộ trên toàn địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại nào về người.
Tại tỉnh Khánh Hòa, thông tin trên báo VOV cho biết, đêm qua tại các huyện phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, giáp với tỉnh Phú Yên như Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa có mưa nhỏ. Huyện Vạn Ninh đã phối hợp với các đơn vị thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Khu tái định cư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn như hạ các cần cẩu, tường chắn bằng tôn, chống sạt lở khu tái định cư.
Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết 2 vấn đề huyện quan tâm nhất chính là đảm bảo an toàn cho khu tái định cư số 2, thuộc dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và đảm bảo an toàn dọc quốc lộ 1A. Khu tái định cư số 2, nằm gần cửa hầm Đèo Cả, đang thi công, khi mưa đến lượng nước rất lớn, xuống rất nhanh, khả năng sạt lở nguy cơ. Tỉnh đã yêu cầu nhà thầu triển khai các biện pháp khẩn trương và quyết liệt, đảm bảo an toàn công trình. Chú ý các cần cẩu, các xe đang thi công phải di dời về các vị trí an toàn.
Liên quan đến tình hình bão số 4, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, ở Quy Nhơn và An Nhơn đã có gió giật mạnh cấp 9, ở Tuy Hòa có gió giật mạnh cấp 7, ở Hoài Nhơn, An Khê và Pleiku có gió giật mạnh cấp 6. Ở Phú Yên – Bình Định và Gia Lai đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 100mm, một số nơi có lượng lớn hơn như Quy Nhơn 149mm, Vân Canh (Bình Định) 131mm, Sông Cầu (Phú Yên) 194mm, Hà Bằng (Phú Yên) 130mm, An Khê (Gia Lai) 114mm.
Sáng nay (ngày 30/11), sau khi đi sâu vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Định, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Gia Lai. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong ngày hôm nay (ngày 30/11) ở các tỉnh từ Đà Nẵng - Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Do ảnh hưởng của mưa bão, trong ngày ngày 30/11, lũ các sông từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum lên nhanh và có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2. Có nguy cơ ngập úng ở vùng đồng bằng ven biển và vùng trũng các tỉnh từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nam Quảng Ngãi đến Bắc Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum.
Đêm ngày 30/11 sẽ có một đợt gió mùa đông bắc mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ gây gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ cấp 7, giật cấp 9, sau đó ảnh hưởng đến Trung Bộ gây mưa vừa, mưa to đến rất to.