(ĐSPL) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to, mực nước trên các sông, hồ tăng cao.
Cơn bão số 3 hay còn gọi là bão Vàm Cỏ không phải là cơn bão mạnh nhưng do bão được hình thành ngay trên biển gần bờ từ áp thấp nhiệt đới nên rất nguy hiểm. Hoàn lưu bão rất rộng, chính vì vậy, sau bão đã xuất hiện mưa lũ lớn ở khu vực miền Trung, từ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Nghệ An: Sáng ngày 14/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Nghệ An đã có công điện gửi Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan chức năng... để chủ động đối phó với cơn bão số 3.
Theo đó, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để di chuyển vào bờ, hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm, Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển Nam vĩ tuyến 17, Bắc vĩ tuyến 13 và Đông kinh tuyến 113 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão). Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xẩy ra; hướng dẫn sắp xếp, neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã vào bờ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ; cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và đến người dân; kiểm tra sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn cho người đang sinh sống ở ven biển, trên các đảo, các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, ven sông suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Tối 14/9, trên một số vùng tại tỉnh Nghệ An đã xuất hiện mưa to đến rất to.
Hà Tĩnh tuy không phải là tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, nhưng trong sáng 14/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã gửi công điện tới các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu chủ động thực hiện các biện pháp đối phó với bão.
Theo đó, công điện yêu cầu, trước mắt, người dân khẩn trương thu hoạch lúa và cây trồng vụ hè thu đảm bảo trước khi mưa, lũ xảy ra. Các địa phương phải phân công lãnh đạo và bố trí lực lượng duy trì chế độ thường trực 24/24, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ để kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo đến người dân. Bám sát cơ sở, đôn đốc, kiểm tra để chủ động triển khai phương án ứng phó với bão lũ trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền người dân phòng chống thiên tai…
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão, tối 14/9, một số nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to và kéo dài, mực nước một số con sông đã lên cao.
Thừa Thiên – Huế: Từ chiều 14/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn đã có xuất hiện những cơn mưa lớn và gió giật mạnh. Đến 16h, tại các như sông Hương, sông Bồn, mực nước vẫn đang ở mức trung bình. Trong đêm 14/9 có mưa to trên toàn bộ khu vực.
Mưa to gió lớn khiến cây xanh trên một số tuyến phố ở Huế bị gãy đổ |
Để kịp thời ứng phó với những tình tiết bất ngờ và khó lường của cơn bão số 3, chính quyền TP Huế cũng như chính quyền các huyện, thị xã nằm trong vùng trũng, vùng biển đã nhanh chóng có những kế hoạch, công văn chỉ đạo cụ thể để các cấp ban ngành phối hợp cùng người dân sẵn sàng chống bão, tránh những hậu quả xấu nhất.
Tại Đà Nẵng, ngay từ trưa 14/9, TP Đà Nẵng đã có mưa rất to, gió giật liên hồi. Học sinh trên toàn thành phố đã được nghỉ học từ trưa ngày 14/9 để tránh bão. Tin tức cho biết, do mưa to, gió lớn tiếp diễn đã khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, cây xanh gãy đổ trên nhiều tuyến phố như Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng…
Đến 12h trưa 14/9, Đà Nẵng có mưa to kèm theo gió giật cấp 5 - 6. Theo ghi nhận, một chiếc tàu dù được neo gần bờ đã bị sóng lớn đánh chìm, một số nhà hàng đã bị gió làm sập mái che, nhiều tài sản không kịp di dời. Đến trưa 14/9, TP Đà Nẵng thông báo cho tất cả ngư dân trên các tàu thuyền biết thông tin về diễn biến đường đi của bão số 3 tìm nơi trú tránh an toàn. Hiện còn 138 phương tiện với 1.270 lao động đang ở trên biển.
Tại tỉnh Quảng Nam, chiều 14/9, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 tại các huyện và thành phố.
Theo đó, ông Đinh Văn Thu đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang khẩn trương triển khai cán bộ, chiến sĩ đến tận các địa bàn sung yếu và vùng ven sông, ven biển để cùng tham gia giúp dân. Đồng thời, nhanh chóng vận động nhân dân, nhất là người già, trẻ em đến nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo tính mạng.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo công tác chống bão |
Đến 15h cùng ngày, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vận động, tuyên truyền nhưng vẫn còn hơn 10 tàu cá của xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) chưa chịu vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo ghi nhận, ngay từ 13h cùng ngày, tại huyện Duy Xuyên và TP. Hội An, gió đã bắt đầu mạnh dần lên và có mưa lớn xảy. Trước tình hình mưa bão như trên, toàn bộ học sinh các huyện, thành phố ven biển đã được nghỉ học. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tính mạng, nhiều người dân đã tổ chức chồng chống nhà cửa.
16h cùng ngày, 58 ngôi nhà cổ ở TP Hội An được tiến hành chồng chống đồng thời vận động di dời những hộ dân sống trong khu nhà cổ đến nơi trú ẩn an toàn.
Cũng do ảnh hưởng của bão, tại Tam Kỳ, nước ngập sâu, người dân hì hục gom gặt lúa dưới trời mưa to. Sau trận mưa đêm 14/9, hơn 600m2 lúa gieo sạ đã bị thiệt hại đến 40\%. Không riêng Tam Kỳ, tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nông dân cũng đang hì hục trong nước để cứu hoa màu...
Người dân Quảng Nam gặt lúa trên đồng ngập nước |
Quảng Ngãi: Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, từ sáng 14/9, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng và một số khu vực bị ngập cục bộ. Đến tối cùng ngày, mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao.
Bắc Tây Nguyên: Lượng mưa toàn tỉnh Kon Tum vào chiều 14/9 từ 30 - 60mm, tối cùng ngày lên đến 40 – 80mm.
Trên các sông mực nước tăng dần và có lũ; mực nước lũ lớn nhất có khả năng đạt cao hơn mức báo động cấp 2, xuất hiện trong đêm 14 và gần sáng ngày 15/9.
Mực nước sông dâng cao khiến một số vùng sâu bị cô lập |
Còn tại Gia Lai, lượng mưa phổ biến dao động từ 20 - 40mm, gió Tây Nam mạnh cấp 3, cấp 4, giật cấp 5. Trên các sông suối của các huyện phía Tây có thể xuất hiện lũ, đỉnh lũ có khả năng đạt báo động 1 và 2.
Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho biết, 2 chuyến bay của hãng này từ TPHCM và Hải Phòng đến Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất do tình hình thời tiết tại sân bay Buôn Ma Thuột rất xấu.
BẢO KHÁNH
[mecloud]u175EroHxJ[/mecloud]