+Aa-
    Zalo

    Bão số 3 ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng nông nghiệp?

    (ĐS&PL) - Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại bão số 3... nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

    Bất chấp bão số 3, GDP vẫn tăng trưởng mạnh

    Báo Dân Viêt dẫn thông tin cho hay, Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, quý III/2024 dẫu kinh tế có nhiều khó khăn do đối diện với bão lũ song GDP vẫn tăng khá cao, ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước.

    Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.

    GDP của 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

    Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại bão số 3... nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh minh họa

    Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại bão số 3... nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh minh họa 

    Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước.

    Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024.

    Bão số 3 tác động lớn đến ngành nông nghiệp

    Tờ An ninh Thủ đô dẫn lời ông Đậu Ngọc Hùng - Vụ trưởng vụ Thống kê Nông lâm thuỷ sản (Tổng cục Thống kê), trong lĩnh vực nông nghiệp, bão và mưa sau bão làm ngập úng, hư hại gần 350.000 ha lúa, hoa màu, trong đó có 75.000 ha lúa mùa bị thiệt hại từ 70% trở lên (được tính là mất trắng); 44.000 con gia súc và khoảng 5,8 triệu con gia cầm bị chết; 36.000 ha, 11.100 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; khoảng 190.000 ha rừng bị ảnh hưởng.

    Ảnh hưởng của bão số 3 đã tác động lớn đến kết quả sản xuất và tăng trưởng ngành nông nghiệp các tỉnh miền Bắc: Cụ thể, Sơn La giảm 13,03% so cùng kỳ năm trước; Bắc Giang giảm 12,94%; Thái Nguyên giảm 10,81%; Quảng Ninh giảm 6,97%; Hải Phòng giảm 5,64%; Bắc Ninh giảm 4,78%; Lạng Sơn giảm 3,03%.

    Tính chung 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa bị ảnh hưởng bão số 3, ngành nông lâm thủy sản quý III/2024 các tỉnh này giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (trong khi kịch bản dự kiến tăng 2,9% so cùng kỳ); 9 tháng năm 2024 chỉ tăng ở mức 1,9% (thấp hơn 1 điểm % so với kịch bản).

    Nhanh chóng phục hồi sau bão

    Để sớm khôi phục lại sản xuất, phục hồi tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản, ông Hùng cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, đồng thời tập trung thực hiện tốt các nội dung.

    "Tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ về các mặt hàng thiết yếu và vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản để ổn định đời sống và sớm khôi phục, phục hồi sản xuất", tạp chí Kinh tế & Dự báo dẫn lời ông Hùng nêu giải pháp.

    Nhiều diện tích trồng chuối của nông dân xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: TTXVN

    Nhiều diện tích trồng chuối của nông dân xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: TTXVN

    Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cần hỗ trợ về thức ăn, con giống, thuốc thú y, chất cải tạo môi trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản.

    Thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các hộ, cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bị thiệt hại.

    "Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, xem xét giảm lãi vay cho những hộ, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản bị thiệt hại lớn do bão, lũ. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn đề các hộ, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản bị thiệt hại có vốn để đầu tư tư liệu sản xuất như chuồng trại, tàu thuyền, công cụ, mua nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất", ông Hùng khuyến nghị.

    Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các vùng không bị ảnh hưởng bão, mưa lũ qua đó cung ứng giống, nguyên liệu cũng như bù đắp những giảm sút trong sản xuất của vùng bị ảnh hưởng để duy trì tăng trưởng chung.

    "Về lâu dài cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với thiên tai đối với từng vùng, miền, đồng thời tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, qua đó hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra", ông Đậu Ngọc Hùng đưa khuyến nghị.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bao-so-3-anh-huong-the-nao-en-tang-truong-nong-nghiep-a470786.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan