Nhiều khả năng đây là một đòn thử nghiệm để Bắc Kinh gây áp lực tâm lý lên Việt Nam và Philippines.
Tờ Lenta của Nga ngày 24/6 đăng tải bài viết cho biết, Trung Quốc đang tiến hành một kế hoạch bất thường khác đồng thời với việc hạ đặt (trái phép) giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam - PV).
Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) các đảo nhân tạo đặc biệt (ở 6 bãi đá Gạc Ma, Gaven, Su Bi, Tư Nghĩa, Chữ Thập và Châu Viên trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược năm 1988 - PV) và nhằm biến chúng thành những chiếc tàu sân bay không thể đánh chìm.
|
Lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Trường Sa của Việt Nam sau khi xâm lược, chiếm đóng trái phép từ 1988. |
Trong tháng 5/2014, trên trang web của một trong những thành viên tổ chức Dự án Thượng Hải thuộc Công ty đóng tàu Quốc gia Trung Quốc xuất hiện một bản vẽ 3D của một hòn đảo nhân tạo với chú thích, nó sẽ được phát triển trong (cái gọi là) quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Theo sơ đồ, trên đảo có các khu vực dân cư và một bến tàu có thể đón các tàu lớn với lượng dãn nước 5.000 tấn, trung tâm dịch vụ hậu cần hàng hải và một sân bay. Đảo nhân tạo này sẽ nằm giữa 3 rạn san hô thuộc đá Chữ Thập.
Trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc ngay sau đó đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc nước này đang xây dựng một căn cứ quân sự lớn và có trang bị tốt ở quần đảo Trường Sa và gọi đó là "Guam của Trung Quốc".
Tuy nhiên, không quan chức Trung Quốc nào thừa nhận rằng Bắc Kinh đang mở rộng (bành trướng) lãnh thổ theo "phong cách Mỹ". Nhưng ngay sau đó, bản vẽ này đột ngột biến mất khỏi trang web cũng như khi nó xuất hiện.
|
Giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. |
Các nguồn tin trong chính phủ Trung Quốc từ chối bình luận về vụ việc và giải thích rằng đây là một thông tin rất nhạy cảm. Nhưng theo tờ Lenta, đây có thể là một tấm bản đồ bị rò rỉ hoặc được công bố như một sự thử nghiệm phản ứng dư luận.
Lenta cho rằng khả năng bị rò rỉ có thể loại trừ vì quân đội Trung Quốc bảo mật rất nghiêm ngặt. Cũng rất khó có thể tin được rằng một trong các công ty quốc phòng Trung Quốc đã làm lộ phác thảo vội vàng của mình. Nhưng nhiều khả năng đây là một đòn thử nghiệm để Bắc Kinh gây áp lực tâm lý lên Việt Nam và Philippines, hai quốc gia láng giềng kiên quyết phản đối các hành động bành trướng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo Lenta, các nhà phân tích nước ngoài tin rằng dự án này thực sự có tồn tại. Thứ nhất, là do việc mở rộng các đảo đá và san hô bằng cách này hay cách khác có liên quan tới tất cả các khía cạnh của tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Thứ hai là Trung Quốc đang dần từ bỏ quan điểm "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình.
Chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố chính thức rằng sẽ tập trung phát triển sức mạnh trên đại dương và việc tăng cường các hoạt động quân sự trên Biển Đông là một bằng chứng cụ thể phù hợp nhất với khái niệm này.
|
Kim Lạn Vinh, Giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng đảo nhân tạo này có kích thước lớn gấp ít nhất hai lần căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo san hô Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. |
Lý do thứ ba là Trung Quốc đã từ lâu đã chuẩn bị và đầu tư cho kế hoạch này. Trung Quốc đã xây dựng các cảng nước sâu rộng lớn ở Thượng Hải, xây dựng đảo nhân tạo cao cấp Phượng Hoàng ở gần đảo Hải Nam. Đảo này dài 1250 mét, rộng 250 mét và bắt đầu được phong nền trong năm 2008.
Đảo này được cho là nhằm để phục vụ các chương trình giải trí cho người giàu như các câu lạc bộ du thuyền, nhà hàng, trung tâm hội nghị, khách sạn hạng sang, khu dân cư. Nhưng theo Lenta, nó cũng được sử dụng cho mục đích bành trướng lãnh thổ.
Một trong những nguồn tin quân sự Trung Quốc giấu tên đã nghỉ hưu nói với tờ South China Morning Post của Hồng Kông rằng, dự án sẽ mở rộng khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập cái gọi là khu nhận diện phòng không ở Biển Đông.
Theo Kim Lạn Vinh, giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đảo này có kích thước lớn gấp ít nhất hai lần căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo nhân tạo xây dựng ở rặng san hô Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Ước tính chi phí xây dựng là 5 tỷ USD và cần tới 10 năm để hoàn thành. Quy mô của dự án này được các chuyên gia so sánh với việc tạo ra một tàu sân bay hạt nhân 100.000 tấn.
|
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang bơm cát đắp nền trái phép tại khu vực đá Gạc Ma mà họ xâm lược của Việt Nam năm 1988. |
Ngoài ra, kích thước của các hòn đảo nhân tạo sẽ cho phép triển khai lực lượng phòng thủ quan trọng ở đó như hệ thống tên lửa phòng không chống máy bay HQ-9 hoặc S-400, tên lửa chống hạm hạng nặng YJ-62...Theo ông Vinh, dự án này đang được đệ trình lên chính phủ Bắc Kinh xem xét và có thể sẽ được phê chuẩn.
"Không nghi ngờ gì rằng đây là động lực chính của dự án đầy tham vọng của Trung Quốc liên quan đến kế hoạch chiến lược để tăng cường hiện diện trong Biển Đông. Việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập sẽ tạo ra một cơ sở vững chắc lâu dài cho tàu chiến và máy bay của Trung Quốc", Vasily Kashin - một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga nói với Lenta.
Đảo nhân tạo, theo quan điểm của luật pháp hiện đại là đảo giả. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không tính các đảo nhân tạo này làm cơ sở để thành lập đặc vùng kinh tế 200 hải lý.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-nga-tq-lo-ke-hoach-o-truong-sa-de-gay-suc-ep-voi-viet-nam-a38307.html