Sputnik đưa tin, các đại diện từ Mỹ, Anh, Pháp, Ả rập Saudi và Jordan đã bí mật họp bàn ở Washington hồi tháng 1 vừa qua để đưa ra chiến lược mới cho khu vực Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ đã được báo động về kế hoạch bí mật của 5 quốc gia kể trên nhằm “vẽ lại bản đồ Trung Đông” và “chia Syria thành các khu vực ảnh hưởng khác nhau” - cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Uluc Ozulker - người từng đến Pháp và Libya nói với Sputnik.
Thông tin về cuộc họp ngày 11/1, được gọi là Syrie Leaks đã bị lộ ra bởi một nhóm các nhà báo Pháp.
"Các đại biểu đã đồng ý gặp lại vào ngày 23/1, có nghĩa là họ dự định tổ chức các cuộc họp bí mật thường xuyên. Thông tin rò rỉ đã phần nào làm rõ những gì Mỹ, Anh, Pháp, Ả rập Saudi và Jordan thực sự muốn. Xem xét từ các ghi chép của phái viên Anh, các đại biểu thảo luận về việc mời các đại diện của Ai Cập, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc thảo luận”, ông Ozulker nói.
5 quốc gia bí mật họp bàn về tình hình Trung Đông ở Mỹ? Ảnh: Sputnik News |
“Tuy nhiên, dường như Ai Cập chưa bao giờ được mời và người Đức đã không trả lời. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ rõ ràng là không chắc chắn có nên đưa Thổ Nhĩ Kỳ 'lên thuyền' hay không. Họ tin rằng xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với các quyết định của họ", vị cựu đại sứ cho biết thêm.
Ông Ozulker cũng khẳng định rằng những bên tham gia không hề giấu diếm sự thực là Mỹ đang tìm kiếm một cái cớ để duy trì sự hiện diện của mình ở Syria nói riêng, Trung Đông nói chung.
"Họ nói rằng mục tiêu chính của Washington là ngăn chặn Iran củng cố vị thế của mình trong khu vực. Họ cũng thừa nhận rằng nỗ lực thành công của Nga như một phần của các cuộc đàm phán ở Astana và Sochi đặt ra một vấn đề lớn cho họ và nhấn mạnh mong muốn của họ để phá hoại tiến trình này bằng cách cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán tại Geneva", ông Ozulker lưu ý.
Duy trì sự hiện diện ở Syria là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ. Ảnh: Sputnik |
Theo ông, "5 quốc gia tham gia thảo luận 4 tiến trình toàn cầu".
"Thứ nhất, đại diện Mỹ nói rằng việc tạo ra vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể mở đường cho việc sử dụng chúng trong các cuộc xung đột tại khu vực. Thứ hai, họ thảo luận các biện pháp đối phó với Nga và các nước khác mà họ coi như một mối đe dọa đối với NATO. Thứ ba, họ thảo luận về sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công của Israel chống lại Iran. Và cuối cùng, họ đã nhắc đến vấn đề người Kurd cũng như vai trò của họ trong việc đẩy mạnh căng thẳng giữa Ankara và Washington", cựu phái viên lưu ý.
Ông nói thêm rằng với những người tham dự cuộc họp của Washington dự đoán thêm căng thẳng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd. Họ nhận định tình hình trong khu vực có thể xấu hơn nữa.
"Xét từ những gì đang diễn ra ở Syria, các quyết định của NATO và Tổng thống Mỹ Donald Trump, có vẻ như quan điểm đối lập giữa Nga và Mỹ hiện nay sẽ lan sang khu vực còn lại của Trung Đông khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn", ông Ozulker đánh giá.
"Tôi không mong đợi sự thay đổi nghiêm trọng nào hơn ở đó. Họ có thể sẽ đạt được thỏa thuận liên quan đến vùng lãnh thổ phía Tây của Euphrates, đó là tất cả. Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang hợp tác chặt chẽ với Nga, cuối cùng sẽ phải đưa ra một sự lựa chọn", Uluc Ozulker kết luận.
Hơn 1 tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch "Cành Oliu" nhằm tấn công khu vực Afrin do Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc phiêu lưu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp bế tắc nghiêm trọng khi phải đối mặt với những động thái can thiệp của Nga và Mỹ cùng với hàng loạt thiệt hại nặng nề trên chiến trường.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Sputnik)