Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, thay thế Nghị định 144/2013.
Đáng chú ý, Nghị định 130/2021 nâng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực trẻ em so với Nghị định 144/2013. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của xã hội, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực với trẻ em đang xảy ra ngày càng nhiều.
Theo nghị định, một trong những nội dung đáng chú ý là hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Đối với hành vi bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em; tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi sau: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho, hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em.
Đặc biệt, nghị định quy định mức phạt lên đến 25 triệu đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.
Các trường hợp bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng, bao gồm các trường hợp, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở dịch vụ, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ; tước quyền sử dụng giấy phép đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên môi trường mạng.
Việt Hương (T/h)