Vụ việc này xảy ra ngay khi trận PSIS Semarang gặp PSS Sleman chuẩn bị khép lại. Thời điểm này, tỉ số đang là 1-0 nghiêng về PSIS Semarang.
Nhưng mâu thuẫn không xuất phát từ trên sân bóng mà từ khán đài. Tại nơi CĐV hai đội ngồi gần nhau đã xuất hiện những lời qua tiếng lại. CĐV khách tố CĐV nhà chèn ép, tấn công sang khu vực của họ, trong khi CĐV nhà chửi rủa đối thủ.
Sau đó, mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát. Hai nhóm CĐV quá khích lao vào nhau để tấn công bằng vũ lực. Không chỉ trên khu vực khán đài, những cái đầu nóng còn tràn xuống sân để tấn công lẫn nhau, tạo ra khung cảnh rất hỗn loạn. Trong bối cảnh ấy, trọng tài buộc phải thổi còi kết thúc sớm trận đấu.
Theo nguồn tin từ CNN Indonesia, vụ bạo loạn này đã khiến cho nhiều người bị thương. Trong đó, Giám đốc điều hành PSSI, Yoyok Sukawi cũng bị thương sau khi bị nhóm quá khích ném trúng đầu.
Sự hỗn loạn trên sân chỉ lắng xuống sau khi xuất hiện cơn mưa to, làm lạnh những "cái đầu nóng". Bên cạnh đó, những nhân viên an ninh cũng có mặt kịp thời để ngăn chặn tình hình.
Theo Tribun News, vụ bạo loạn đã làm hoen ố chiến thắng của CLB PSIS Semarang. Trong khi đó, CNN Indonesia cho rằng sự cố giống như một hồi chuông báo động nữa cho vấn nạn bạo lực ở làng bóng đá xứ Vạn đảo.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực thường xuyên xảy ra trên các sân cỏ ở Indonesia bất chấp PSSI ban hành nhiều quy tắc để phòng ngừa. Trước đó vào năm 2022, làng bóng đá Indonesia vừa chìm trong tang thương với vụ bạo loạn ở sân vận động Kanjuruhan (Đông Java, Indonesia) trong trận đấu giữa Persebaya Surabaya và Arema. Thảm kịch này khiến 135 người thiệt mạng.
Thế nhưng, tình trạng bạo lực trên khán đài ở Indonesia không có dấu hiệu suy giảm. Những vụ bạo loạn vẫn xảy ra bởi sự thù địch của các CLB và nhóm CĐV. Họ sẵn sàng lao vào nhau nếu như bị kích động.
Như Quỳnh (T/h)