(ĐSPL) - Hiện nay, thực trạng bạo hành giới đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, đến tính mạng, tài chính của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ở nước ta, theo điều tra quốc gia về bào lực gia đình đối với phụ nữ của Tổng cục Thống kê thì 34\% phụ nữ được hỏi phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực gia đình…
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Những vết thương không liền da
Theo báo cáo của Bộ công an, thì cứ 2 đến 3 ngày lại có một người chết vì bạo lực gia đình và hàng năm có hàng trăm phụ nữ bị buôn bán, ép buộc làm nô nệ tình dục. Đó là những con số biết nói, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành đối với phụ nữ hiện nay. Bạo lực giới làm ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của cộng đồng, gây mất trật tự an toàn xã hội nghiêm trọng và để lại nhiều hệ lụy đau thương.
Lê Văn Hiếu là em út trong gia đình có 4 anh chị em. Mặc dù đều là những người có nghề làm mộc nhưng không ai chịu ở làng mà đi lập nghiệp ở xứ người, để lại bố mẹ già trong căn nhà đơn xơ. Kể từ ngày xảy ra sự việc, ông Lê Văn Trung, bố Hiếu, trầm tính hắn. Những người hàng xóm ít thấy ông nói cười, chỉ lẳng lặng làm kiếm tiền nuôi gia đình, làm bạn với tấm gỗ, cái cưa. Ông làm cả ngày cho đến khi điện yếu, máy cưa không chạy nổi, tức là khoảng 7h tối mới thôi.“Gia đình nhà nào cũng vậy, khi con cái gây nên chuyện như vậy đều rất khổ tâm, suy nghĩ. Cuộc sống gia đình tôi cũng khó khăn hơn, vất vả hơn. Nếu cháu còn ở nhà thì chúng tôi không vất vả như thế”, ông Trung nói. Mẹ Hiếu, người đàn bà hết tuổi lao động, gầy yếu, không làm được việc nặng nhọc nên chỉ có thể thu gom rác thải trong xóm. Hàng ngày bà vẫn đeo khẩu trang kín mít như để che đi nỗi tủi nhục với bà con, làng xóm.
Lại nói về Hải, những vết sẹo trên người đã khiến cô tủi hổ, không còn nhanh nhẹn, sức trẻ của người con gái mới ngoài đôi mươi. Hàng ngày cô vẫn phải nhờ mẹ chăm sóc từ ăn uống đến giặt giũ. Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, học hết lớp 5, Hải ở nhà làm thuê giúp bố mẹ kiếm sống.“Tôi thấy cuộc sống thật vô vị. Người mà mình gọi là chồng đã nhẫn tâm muốn giết mình như vậy. Khi ấy lại còn là Tết nữa nên tôi và gia đình càng khổ sở. Cả nhà ăn Tết trong đau đớn, trong nước mắt. Tôi không nghĩ vết thương lại lớn đến vậy. Tôi tính buông xuôi mấy lần nhưng mẹ tôi nói mẹ tôi sẽ không sống nổi nếu tôi làm điều gì dại dột. Vì vậy tôi đã quyết định đứng dậy sống tiếp”.
Trong năm qua, tại Bắc Ninh cũng xảy ra hai vụ bạo lực để níu kéo tình cảm. Sáng ngày 7/7/2014, ngay tại UBND xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh xảy ra một vụ trọng án. Lưu Xuân Việt sau nhiều lần níu kéo tình cảm với vợ là Trần Thị Nhung nên đã cướp đi mạng sống của chị này bằng hai nhát dao chí mạng. Trước đó, rạng sáng ngày 28/6, cũng chỉ vì vợ cũ không chịu quay lại, Nguyễn Công Tuấn nhiều lần đập chị Ngô Thu Hằng xuống đường bê tông khiến người mẹ của 3 đứa trẻ bị thương tích nặng rồi tử vong sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện.
Phu thê cạn tình và lời cảnh tỉnh
Bạo lực giới, nhất là phụ nữ là vấn nạn phổ biến. Ở Việt Nam, sự bất bình đẳng giới đã in sâu, bén rễ, diễn ra ở tất cả các tầng lớp xã hội, từ nông thôn đến thành thị. Nhưng vết thương thể xác do người chồng đầu gối má kề gây ra, nó không chỉ để lại sẹo trên da thịt mà còn là dấu vết, nỗi đau ám ảnh họ suốt cuộc đời.
Chị Lê Thị Lý (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), nạn nhân trong vụ bạo lực gia đình cách đây hơn 2 năm từng gây phẫn nộ trong dư luận khi chị bị chồng bạo hành dã man, phải nhập viện vì khắp cơ thể bầm tím. Chồng chị là Nguyễn Tiến Thịnh, SN 1980 – kẻ có hai bằng đại học nhưng hành hạ vợ bằng những cơn mưa gậy, giam người vở trẻ tại nhà nhiều ngày không cho ra ngoài để đánh đập. Sau hơn 2 năm, những vết thương trên cơ thể đã liền sẹo nhưng những vết thương lòng vẫn ám ảnh chị suốt cuộc đời. Chị đã có thời gian sống tại Ngôi nhà bình yên của Hội Phụ nữ Việt Nam cùng con gái nhỏ. Tại đây, chị đã có được sự động viên, chia sẻ của những người nhân ái, người có cùng cảnh ngộ. Trong vụ án này, Nguyễn Tiến Thịnh phải chịu mức án 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích và đe doạ giết người.
Sáng ngày 14/8, TAND Hậu Giang xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Văn Nghĩa ngụ xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang 20 năm tù về tội giết người. Theo nội dung cáo trạng, ông Trần Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Chanh đã là vợ chồng trên 40 năm. Do hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên Nghĩa bỏ về nhà mẹ ruột sống gần một năm. Thời gian này, Nghĩa nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác nên khoảng 8h tối ngày 21/4/2013, Nghĩa tìm đến nhà bà Chanh và dùng dao truy sát bà. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bà Chanh đã tử vong 5 ngày sau đó. Xét thấy hành vi của Trần Văn Nghĩa là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, vì ghen tuông mù quáng đã nhẫn tâm giết chết người vợ chung sống với mình hơn 40 năm, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tuyên phạt Trần Văn Nghĩa 20 năm tù giam.
Những vụ việc được phát hiện xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bạo lực giới hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn gia đình kéo dài vì kinh tế, ghen tuông, tình ái, rượu bia say xỉn, ngoài ra còn là do sự bất bình đẳng về giới không được phát hiện sớm để xử lý triệt để.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong khu vực về việc xây dựng chính sách chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về quyền con người. Đó là hành lang pháp lý xử lý những vụ việc liên quan. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo vấn đề này cần sự chung tay của toàn xã hội, cộng đồng, đặc biệt là sự lên tiếng của các nạn nhân, sự sát sao của các ban ngành toàn thể địa phương trong từng việc cụ thể.
Bài đã đăng trên trang Hôn nhân Pháp luật - chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật.
NGÔ CƯƠNG
Xem thêm clip liên quan: Phía sau bản án... Bạo hành giới và nỗi đau truyền kiếp