Thời gian, địa điểm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được quyết định nhưng vẫn có những nhân tố quan trọng có thể thay đổi “cuộc chơi” bất cứ lúc nào.
Theo Korea Times, dường như tất cả các bên liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Sự kiện sẽ diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, được đánh giá là một trong những động thái quan trọng nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc – 3 nhân tố chính trong “sự kiện lớn” này đều đặt ra những kỳ vọng khác nhau khi chấp nhận đàm phán. Và nếu như, nhận thấy tình hình không khả quan cho lợi ích quốc gia của mình, 3 nhà lãnh đạo có thể sẽ đưa ra những quyết định bất ngờ, thay đổi hoàn toàn bối cảnh sự kiện.
Theo Korea Times, có 3 nhân tố chính tác động đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc là nhân tố chủ chốt quyết định thành bại của hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: The Hill |
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Mặc dù không được đánh giá là một quốc gia luôn giữ chữ tín trong những giao dịch toàn cầu, tuy nhiên, ở nhiều khía cạnh, Mỹ vẫn ít nhiều đại diện cho mặt tốt khi giải quyết vấn đề quốc tế. Theo Tổng thống Donald Trump, Washington đang cố gắng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa để giảm thiểu mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình thế giới.
Mỹ cũng đang hứa hẹn với Triều Tiên rất nhiều điều – cả về an ninh và thịnh vượng.
Trước đây, Bình Nhưỡng thường đặt ra nhiều thách thức trong chính sách đối ngoại cho các cựu tổng thống Mỹ. Vậy nên, bên cạnh những hứa hẹn của Mỹ, nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi rằng đó có thực là những điều Washington mong muốn và cam kết thực hiện, hay còn nhằm mục đích nào khác. Trong tuyên bố đăng trên Twitter, ông Trump nhận xét hội nghị thượng đỉnh sẽ là mốc khởi đầu của "một cái gì đó lớn lao".
Tuy nhiên, vào hôm 24/5 vừa qua, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố hủy bỏ cuộc họp với lãnh đạo Kim, với lý do Triều Tiên có “thái độ thù địch”. Mặc dù sau đó, hội nghị vẫn được chuẩn bị theo kế hoạch ban đầu nhưng động thái của ông Trump phần nào cho thấy khả năng rút khỏi sự kiện của Mỹ.
Cho đến hiện tại, sau khi Triều Tiên thể hiện thành ý bằng cách đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa, phá hủy bãi thử nghiệm và trả tự do cho 3 con tin Mỹ, phía Washington vẫn kiên quyết duy trì các biện pháp trừng phạt. Mỹ cũng khẳng định vẫn sẽ cấm vận kinh tế cho đến khi nào Triều Tiên giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Triều Tiên đã đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa, phá hủy bãi thử nghiệm và trả tự do cho 3 con tin Mỹ. Ảnh: ABC |
Korea Times đánh giá rằng dường như chính phủ ông Kim Jong-un bị bất ngờ bởi lời đề nghị đàm phán của Mỹ. Lúc đó, Triều Tiên đang ở trong điều kiện cần được giảm bớt áp lực khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế do Mỹ chủ trương nhưng chính Washington lại gợi ý đàm phán trước.
Ông Kim Jong-un sau đó đã hợp lý hóa đề nghị bằng cách nói rằng Triều Tiên đã hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân nên sẽ chuyển sang tập trung vào việc nâng cao mức sống cho người dân thông qua phát triển kinh tế. Mục tiêu của ông Kim, có lẽ là vẫn sở hữu vũ khí để phòng vệ nhưng cũng sử dụng chúng như một đòn bẩy để đạt được một số lợi ích kinh tế.
Khi ông Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh, Bình Nhưỡng đã phản ứng lại một cách kiên nhẫn, khẳng định sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào với Mỹ.
Triển vọng của hội nghị Mỹ - Triều khiến nhiều người tin rằng căng thẳng sẽ được hạ nhiệt và những vấn đề tồn tại sẽ sớm được giải quyết.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Có thể nói, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Vào ngày 27/4, hội nghị thượng đình Hàn – Triều đã diễn ra tại Bàn Môn Điếm, thuộc Khu vực phi quân sự (DMZ) ngăn cách 2 miền bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc họp này, ông Kim và ông Moon đã đạt được những bước tiến to lớn trong quan hệ giữa 2 nước, trong đó quan trọng nhất phải kể đến tuyên bố chung, khẳng định đến cuối năm 2018, chiến tranh Triều Tiên sẽ chấm dứt hoàn toàn bằng một hiệp ước hòa bình.
Tiếp đó, ông Moon đã cử một phái đoàn quan chức cấp cao sang thăm chính thức Bình Nhưỡng. Khi trở về, đoàn đại biểu cho biết Triều Tiên đã chấp nhận đàm phán với Mỹ. Không dừng lại ở đó, khi Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh, chính Tổng thống Hàn Quốc đã đóng vai trò trung gian, thuyết phục cả Washington và Bình Nhưỡng thận trọng đưa ra lựa chọn.
Có thể nói, nếu như thiếu sự “vun vén” của ông Moon, hội nghị Mỹ - Triều khó có thể đi đến giai đoạn hiện nay.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Korea Times)