Sơn Tây là xã miền núi của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), có truyền thống đoàn kết; người dân năng động, thích nghi sớm với kinh tế thương mại nhờ có nhiều con em là Việt kiều Thái. Chính vì lẽ đó, khoảng 15 năm trở về trước, Sơn Tây nổi lên như là một xã điển hình, phát triển đồng đều trên nhiều phương diện; kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, Sơn Tây (nằm trung Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo) được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan đặc biệt. Tranh thủ sự ưu đãi ấy, các doanh nghiệp ở xã Sơn Tây đã phát triển rất mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu, dịch vụ, thương mại...
Cũng từ đó, xã Sơn Tây trở thành địa phương đầy tiềm lực, có nhiều doanh nhân giàu vào loại bậc nhất nước ta. Cụ thể, nơi đây được biết đến khá nhiều đám cưới, hoạt động đình đám; vàng bạc, siêu xe. Họ cũng hào phóng, tiên phong trong nhiều hoạt động thiện nguyện cao đẹp, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Thời gian gần đây, giữa doanh nghiệp, doanh nhân và chính quyền sở tại, còn có khoảng cách lớn; chưa tạo được đồng thuận trong phát triển xã hội. Có thể nói rằng, sau những trì trệ, yếu kém của đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, giới doanh nhân đã mất niềm tin vào công tác quản lý. Họ không mặn mà đầu tư vào các lĩnh vực công ích: Giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục...
Chủ tịch UBND xã Sơn Tây báo cáo sơ bộ tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương
Chính vì lẽ đó, chính quyền đã gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Sơn Tây bắt đầu rơi khỏi top đầu và thua kém nhiều địa phương của huyện nhà Hương Sơn, mặc dù rằng, giới doanh nhân, doanh nghiệp tại xã này, vẫn phát triển bền vững. Trong hoàn cảnh như vậy, chính quyền địa phương rất cần một nhân tố điển hình, một đơn vị trung gian, kết nối lại hệ thống cán bộ cơ sở với doanh nghiệp để có được sự chia sẻ cần thiết.
Trung tuần tháng 6/2015, Đảng ủy, UBND xã Sơn Tây đã mạnh dạn đề xuất với Thường trực Huyện ủy Hương Sơn, cho phép tổ chức một cuộc trao đổi giữa 3 đơn vị (báo chí, chính quyền và doanh nghiệp). Bằng những hiểu biết, kinh nghiệm, uy tín trong công tác tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, Báo Đời sống & Pháp luật đã được mời để tham gia tọa đàm chia sẻ này.
Các đại biểu tại hội nghị
Sáng kiến này của xã Sơn Tây được Ban Biên tập Báo ĐS&PL, Thường trực Huyện ủy Hương Sơn và các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ; đánh giá cao về sáng kiến tổ chức. Chiều ngày 30/6, cuộc tọa đàm “Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền vận động chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được diễn ra tại UBND xã Sơn Tây, trước sự chứng kiến của nhiều quan chức cấp huyện.
Trong báo cáo về phát triển kinh tế xã hội, đại diện UBND xã Sơn Tây thừa nhận về những tồn tại yếu kém, cần phải khắc phục; cần sự chia sẻ thấu hiểu của giới doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; và sự đồng thuận của nhân dân.
Với vai trò là đại diện đơn vị trung gian, khâu nối sự tương tác giữa doanh nghiệp và chính quyền, nhà báo Phan Xuân Hồng, Thư ký tòa soạn Báo ĐS&PL cho rằng: Sơn Tây có lợi thế về hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh, nhưng chưa biết tận dụng có hiệu quả. Muốn làm tốt điều đó, cần thay đổi tư duy tiếp cận, tạo niềm tin, cho thấy lợi ích chung giữa các bên. Trước đây, chính quyền để cho một số cán bộ tha hoá, gây mất đoàn kết, xa rời dân, chi tiêu thiếu minh bạch. Chuyện nọ chuyện kia có, doanh nghiệp biết, dân biết, dư luận âm ỉ…, nhưng chính quyền không chịu thừa nhận, mổ xẻ và truy cứu đến cùng và làm rõ.
Quỹ "Nhịp cầu Hồng Đức" chuyển 700 thùng sữa do TH Trumilk tài trợ
Điều báo chí nêu tại hội nghị, chính là mắt xích, làm mất niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền. Họ từ chối đầu tư vào các thiết chế văn hóa, các hoạt động công ích; dẫn đến việc xã không phát huy được nội lực trong thời gian dài.
Doanh nhân Nguyễn Long Giang phát biểu tại buổi tọa đàm: “Đây là một cuộc tọa đàm đặc biệt ý nghĩa và quan trọng với chúng tôi; nó đánh thức nhiều vấn đề bị ngủ yên. Chưa bao giờ có cuộc trao đổi thẳng thắn và nhìn nhận sự việc khách quan như vậy. Chúng tôi mong rằng, chính quyền sẽ tiếp thu, cởi mở để có những tiến bộ nhất định trong công tác quản lý và điều hành. Không có một câu nói nào hay hơn là cảm ơn các anh em báo chí và những người có mặt hôm nay”.
Sau những ý kiến xác đáng, chính quyền xã Sơn Tây thừa nhận những tồn tại như báo chí và doanh nghiệp nêu, hứa sẽ chấn chỉnh, “thay máu” cán bộ, đổi mới tư duy và cách làm. Kết thúc cuộc tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền để xây dựng xã nhà thành đơn vị kiểu mẫu, mạnh toàn diện. Cụ thể, anh Phạm Văn Lương, trú ở xóm Khí tượng, xã Sơn Tây tự nguyện hỗ trợ xã 50 triệu đồng để cải thiện môi trường; nhiều doanh nghiệp khác cũng đã tham gia đóng góp từ 10 - 100 triệu đồng.
Nghệ sỹ Tố Nga thể hiện những ca khúc trữ tình mang đậm chất địa phương
Ông Trần Bình Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đánh giá cao sự thành công của cuộc tọa đàm: “Tôi cho rằng, đây là sáng kiến rất đặc biệt, khi chính quyền xã biếtchủ động tìm đến báo chí để kết nối với doanh nghiệp. Lời hứa của các bên đều đã có sự giám sát của truyền thông; báo chí đã không đứng ngoài cuộc trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng tin rằng, xã Sơn Tây sẽ thành công trong việc phát huy nội lực, thông qua cách làm này”.
Tham gia cuộc tọa đàm, ngoài các doanh nghiệp, quan chức địa phương, phóng viên báo chí… còn có sự góp mặt của ca sỹ Tố Nga. Nghệ sỹ Tố Nga cũng là người con quê hương Hà Tĩnh. Chị đã gửi đến hội nghị nhiều ca khúc trữ tình mang đậm nét âm hưởng miền quê xứ Nghệ và mảnh đất Hương Sơn đầy truyền thống.
Ca sỹ giao lưu với các đại biểu
Nằm trong chương trình giao lưu, chiều cùng ngày, Đội bóng đá của Cơ quan Báo ĐS&PL tại Miền Trung đã có cuộc thi đấu với Đội bóng Thanh niên Sơn Tây. Các cầu thủ đã cống hiến cho khán giả địa phương và các đại biểu nhiều pha bóng gay cấn, hấp dẫn. Kết thúc trận đấu, 2 đội đã hòa nhau với tỷ số 3 – 3.
Nhân dịp này, đại diện Báo ĐS&PL đã trao 700 thùng sữa TH Trumilk đến những người dân nghèo của xã Sơn Tây. Đây là sản phẩm của nhà sản xuất, tài trợ cho bạn đọc báo ĐS&PL thông qua “Quỹ Nhịp cầu Hồng Đức” của báo.
Hình ảnh trận bóng đá giao hữu