+Aa-
    Zalo

    Báo động tình trạng nô lệ người Việt tại các tiệm làm móng ở Anh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ủy ban độc lập chống nô lệ thời hiện đại đã cảnh báo về thực trạng người lao động Việt Nam bị bắt làm nghề làm móng trong điều kiện như ‘nô lệ’ tại các cửa hàng...

    Ủy ban độc lập chống nô lệ thời hiện đại đã cảnh báo về thực trạng người lao động Việt Nam bị bắt làm nghề làm móng trong điều kiện như ‘nô lệ’ tại các cửa hàng này ở nước Anh.

    Báo cáo của Kevin Hyland, một ủy viên độc lập hoạt động chống lại vấn nạn nô lệ thời hiện đại gửi lên đã cho thấy hình ảnh cụ thể về việc lợi dụng công dân Việt Nam bị đưa đến Anh và bị bóc lột tại các tiệm làm móng, cùng với việc lao động Việt Nam phải làm việc ở các nông trại trồng cần sa.

    Trong khi nhiều lao động từ vùng quê Việt Nam trả tiền cho bọn buôn người để được đưa đến Anh, thì những người khác, chủ yếu là trẻ em lại bị lừa, bị lợi dụng sang nước này. Báo cáo khẳng định có bằng chứng cho thấy một số người bị bắt cóc và bị đưa đến Anh. 

    Ảnh minh họa: Guardian.

    Dù chưa có số liệu cho thấy quy mô của vấn nạn này, tuy nhiên thống kê cho thấy lao động Việt Nam là quốc gia đứng đầu hoặc đứng thứ hai thường bị cảnh sát chống buôn người bắt nhiều nhất, trong đó gần một nửa là trẻ vị thành niên.

    Báo cáo có tên "Công dân Việt Nam đấu tranh chống thực trạng nô lệ thời hiện đại tại Anh ", đề nghị Bộ Nội vụ Anh cùng Hiệp hội những người làm nail “có những biện pháp chống nô lệ thời hiện đại tại khu vực dịch vụ này. Các hướng dẫn cụ thể cần được phát hành, để chỉ ra cho cảnh sát về “tiềm năng lạm dụng nô lệ thời hiện đại ở khu vực làm móng”.

    Theo ủy viên Hyland - người được nữ Thủ tướng Anh Theresa May chỉ định làm cố vấn đầu tiên của chính phủ chuyên trách các vấn đề liên quan đến nạn buôn người trong 10 năm qua, cho biết cộng đồng Việt Nam tại Anh đã tham gia vào việc kinh doanh, chủ yếu là khu vực dịch vụ làm móng. Hầu hét các tiệm làm móng này chỉ thu tiền mặt và không báo cáo tài chính. Không có số liệu về hoạt động dịch vụ này, tuy nhiên cộng đồng Việt nam tại Anh được ghi nhận là mở nhiều tiệm làm móng nhất.

    [presscloud]302[/presscloud]

    Theo báo cáo, ủy viên Hyland nói: “Đây là một dạng tội phạm có tổ chức nghiêm trọng, con người bị bán như một món hàng. Chúng tôi đã thấy có sự liên quan giữa các tiệm làm móng với nhập cư trái phép. Chúng tôi biết nhiều người đang nuôi dưỡng và tài trợ cho tội phạm có tổ chức. Chúng ta cần làm gì đó để loại bỏ loại tội phạm này”.

    Báo cáo cũng cho biết: “Người làm móng sẽ bị bắt làm việc 6 ngày/tuần và ít nhất 8 giờ/ngày. Việc phân tích báo cáo của đơn vị cảnh sát chống buôn người cho thấy các cửa hàng nail không chỉ là địa điểm cung cấp việc làm trái phép mà còn là khu vực bóc lột sức lao động”, dựa trên trải nghiệm của hơn 10 cá nhân đang từng trở thành "nô lệ hiện đại", phần lớn là thiếu niên. Một lao động đã bị bắt làm việc 7 ngày/tuần, từ sáng đến 6, 7 giờ tối. Họ được trả công 30 bảng/tuần (khoảng 40 USD)”. 

    Một nạn nhân khác, là trẻ mồ côi ở Việt Nam, bị những buôn người lừa sang Anh. Sau khi đến nơi, cậu bé bị nhốt trong phòng để học cách sơn móng tay. Khi đã làm thành thạo, cậu buộc phải làm một lúc cho hai cửa tiệm với mức lương 8 USD mỗi giờ. Tuy nhiên, "thay vì được giữ số tiền công, cậu phải đưa lại cho bọn buôn người, những kẻ hàng ngày đưa đón cậu đi làm và nhốt cậu (sau giờ làm việc)".

    Hồi tháng 3, chính quyền địa phương đã đóng cửa một tiệm làm móng ở thành phố Bath, Somerset, phía Tây Nam nước Anh, đồng thời chủ người Việt bị buộc tội có lên kế hoạch kiểm soát người lao động để bóc lột và đẩy mạnh hoặc tạo điều kiện hoạt động đưa phụ nữ trái phép vào Anh.

    Các nỗ lực đối phó với vấn nạn này vẫn chưa hiệu quả vì công tác quản lý ngành kinh doanh dịch vụ làm móng ở Anh còn chưa chặt chẽ, báo cáo cho hay.

    Ỏ New York, Mỹ, thị trưởng thành phố đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm đảm bảo nhân viên làm móng không bị bóc lột và được trả công không dưới mức lương tối thiểu. Các cửa tiệm buộc phải có "giấy chứng nhận về quyền" của người lao động bằng nhiều thứ tiếng.

    Ủy viên Hyland kêu gọi người dân đến tiệm làm móng nên chú ý vì có thể đó là nơi sử dụng "nô lệ nail". Ông đã công bố các dấu hiệu để cảnh giác là nhân viên làm móng quá trẻ, giá quá rẻ, thay đổi nhân viên nhanh và các thái kiểm soát của nhân viên, hay nhân viên làm móng không biết tiếng Anh.   

    "Nếu nhận thấy một loạt những dấu hiệu như thế, hãy báo cho cảnh sát, cơ quan chức năng địa phương, hay gọi vào đường dây nóng ngăn chặn hoạt động tội phạm và nạn nô lệ hiện đại", ông Hyland đề nghị.

    Báo cáo của ủy viên Hyland đề nghị Bộ Nội vụ Anh xem xét khả năng cấp kinh phí để triển khai một dịch vụ tư vấn qua điện thoại thí điểm, để giúp nạn nhân người Việt trong những giờ đầu họ bị phát hiện nhập cảnh lậu vào Anh. Theo đó, huấn luyện chuyên gia chống buôn lậu trẻ em để giúp người Việt Nam cũng được gợi ý.

    Các tổ chức thiện nguyện chống buôn người cũng càng quan tâm đến tình trạng người Việt Nam bị đưa đến Anh.

    (Theo Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-tinh-trang-no-le-nguoi-viet-tai-cac-tiem-lam-mong-o-anh-a201906.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan