NAHRS cho rằng báo cáo của HRW về nạn lạm dụng tình dục tại Triều Tiên là "phi lý" , được dựng lên lên nhằm bôi nhọ hình ảnh của Bình Nhưỡng.
Một nữ công nhân làm việc trong nhà máy dệt may của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Tài liệu 98 trang do nhóm nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố ngày 1/11 là kết quả của hơn 2 năm tổng hợp, dựa trên rất nhiều cuộc phỏng vấn với các nạn nhân bị quấy rối tình dục đã rời Triều Tiên
Báo cáo mô tả tình trạng viên chức Triều Tiên, từ cảnh sát, quản giáo tới cán bộ bảo vệ chợ, đều bị cáo buộc lạm dụng phụ nữ và việc đó diễn ra một cách thường xuyên. Không những vậy, nhiều quan chức, dù vướng cáo buộc, có khả năng cao được miễn truy cứu.
Tuy nhiên, hôm qua (4/11), Hiệp hội Nghiên cứu Nhân quyền Triều Tiên (NAHRS) cho rằng báo cáo "phi lý" này là "một phần trong âm mưu chính trị do những thế lực thù địch dựng lên nhằm bôi nhọ hình ảnh của Triều Tiên".
"Đây là hành động khiêu khích cực kỳ nguy hiểm nhằm làm đảo chiều làn sóng hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên", tuyên bố từ hiệp hội nhấn mạnh, đồng thời gọi những phụ nữ tham gia cuộc phỏng vấn của HRW là "cặn bã".
Tháng 7/2017, chính phủ Triều Tiên từng thông báo với Công ước Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) rằng cả nước này có 9 người bị kết tội cưỡng hiếp vào năm 2008, số liệu của năm 2011 và 2015 lần lượt là 7 và 5. Nếu con số này là thật thì nó đi ngược lại hoàn toàn với kết quả báo cáo của HRW.
Theo báo cáo, HRW đã hỏi chuyện tổng cộng 106 người Triều Tiên, gồm 72 phụ nữ, 4 thiếu nữ và 30 đàn ông. Các cuộc phỏng vấn đều diễn ra ở nước ngoài.
Trong tất cả nạn nhân bị quấy rối tình dục, chỉ một người nói rằng đã cố trình báo. Những người còn lại không báo cáo vụ việc vì “họ không tin cảnh sát và cũng không tin cảnh sát sẵn sàng hành động”.
Kenneth Roth, giám đốc điều hành HRW, nhận định bạo lực tình dục ở Triều tiên là “bí mật công khai ai cũng biết nhưng chịu đựng và không nhắc đến hay xử lý”.
Trước đó, năm 2016, dư luận thế giới từng xôn xao trước lời khẳng định của Liên minh phụ nữ nước Triều Tiên mới (tổ chức đưa những người trốn chạy khỏi Triều Tiên), rằng các nữ binh sĩ phục vụ trong quân đội nước này thường xuyên phải chịu bạo lực tình dục và quyền lợi của họ bị vi phạm một cách nghiêm trọng.
Heo Jong Hae, cựu sĩ quan cảnh sát Triều Tiên, nói với CNN rằng 90% phụ nữ cô biết đều từng bị tấn công tình dục. Bản thân cô cũng là nạn nhân. Cô quyết định đào tẩu khỏi Triều Tiên chủ yếu xuất phát từ chính trải nghiệm kinh khủng của bản thân với nạn quấy rối.
Bà Soo Hyang Choi, người đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ Bắc Triều Tiên kể lại cho một tờ báo Seoul rằng trong số 120 binh sĩ trong đơn vị của cô có 20 nam sĩ quan, và hai trong số họ đã hãm hiếp gần như tất cả các nữ binh sĩ dưới quyền mình.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)