Bão Bebinca mạnh nhất trong 75 năm đổ bộ Trung Quốc
Theo báo VOV, sáng 16/9, bão Bebinca đã đổ bộ vào Thượng Hải, miền Đông Trung Quốc
Cụ thể, vào 7h30 cùng ngày giờ địa phương (tức 6h30 giờ Hà Nội), bão Bebinca, cơn bão số 13 của Trung Quốc trong năm nay, đã đổ bộ vào Lâm Cảng ở Phố Đông, Thượng Hải. Khi đổ bộ, sức gió tối đa vùng gần tâm đạt cấp 14 (42 mét/giây, tức hơn 150km/h). Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, Bebinca đã vượt qua bão Gloria, trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Thượng Hải kể từ năm 1949.
Sáng cùng ngày, trung tâm này tiếp tục phát đi cảnh báo bão màu đỏ, mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp theo màu, sau khi nâng lên mức cảnh báo này vào lúc chiều tối qua (15/9).
Các khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí Disneyland ở Thượng Hải đã đóng cửa từ 15/9. Toàn bộ các tuyến đường cao tốc ở Thượng Hải cũng bị đóng cửa từ 1h sáng ngày 16/9. 616 chuyến bay đến và đi từ thành phố này đã bị hủy. Tàu phà qua lại Thượng Hải và đảo Sùng Minh, hòn đảo lớn thứ ba Trung Quốc và được coi là “cửa ngõ vào sông Dương Tử (Trường Giang)”, đã ngừng hoạt động.
Tính đến 0h ngày 16/9, toàn thành phố Thượng Hải đã phải di dời hơn 414.000 người, đưa 811 tàu bè đến nơi trú ẩn. Hơn 2.500 đội cứu hộ gồm 56.000 người, 81 xe bơm di động và 415 kho vật tư chống lũ đã được chuẩn bị để chống bão. Trung tâm tài chính nổi tiếng của Trung Quốc đã phải ban bố ứng phó khẩn cấp với bão ở mức cao nhất, tức cấp 1.
Tại tỉnh Chiết Giang, tàu bè được gọi về bờ neo đậu tránh bão. Một số công viên ở thủ phủ Hàng Châu cũng thông báo đóng cửa. Chính quyền Thượng Hải và Hàng Châu đồng thời ra thông báo, yêu cầu người dân “không ra ngoài trừ khi cần thiết”. Sân bay Ninh Ba Chiết Giang cũng đã hủy 116 chuyến bay, tính đến 22h ngày 14/9.
Bão Bebinca có ảnh hưởng tới Việt Nam?
Theo báo Người lao động, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết cơn bão Bebinca không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ngoài ra, trên Biển Đông hiện đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới (rãnh áp thấp) kết hợp gió mùa Tây nam mạnh sẽ gây mưa cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đến ngày16/9, lượng mưa phổ biến 40-80 mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm. Hình thái mưa này không ảnh hưởng lớn đến Bắc Bộ.
Bộ TN&MT dự báo thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn. Riêng giai đoạn từ đêm 15 đến ngày 17/9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30 mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50 mm/ngày.
Về dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Bộ TN&MT cho biết mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới. Trong đó thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.
Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.Trong những ngày tới khi nước lũ xuống trên các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao (đêm 13-9 đã xảy ra tại sông Chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình, Yên Bái).
Mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng (thực tế đã xảy ra tại TP Yên Bái và các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái) trong các ngày 12 và 13/9).