(ĐSPL) - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến rằm Trung thu, nhưng hiện nay, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu nở rộ nhằm đáp ứng nhu cầu cúng rằm tháng 7 của nhiều người.
Chị Thu Trang (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết: “Bánh trung thu handmade thường không lo người làm sử dụng chất bảo quản, lại được chọn mẫu mã, kiểu dáng... nên từ mùa trung thu năm ngoái tôi đã đặt hàng online để biểu họ hàng và cho gia đình thường thức”.
Đồng quan điểm với chị Mai Anh, chị Mai (Long Biên, HN) hồ hởi: “Bánh handmade thích mẫu gì, hình gì chỉ cần đặt là có mà giá thành cũng mềm hơn của các hãng. Rằm tháng 7 vừa rồi mình cũng mua khuôn, nguyên liệu về tự làm nhưng trình độ "còi" nên bánh không được đẹp. Sắp tới, sẽ lên mạng xem chỗ nào có mẫu mã lạ thì đặt về cho tui nhỏ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bánh trung thu handmade được bán với giá từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng/chiếc tùy thuộc vào trọng lượng bánh, nhân bánh.
Ngoài một số loại bánh trung thu với kiểu dáng truyền thống, để thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng online còn nhận làm bánh trung thu theo hình thù yêu cầu của khách: bánh trung thu 12 con giáp, bánh trung thu hình các nhân vật hoạt hình, hay bánh trung thu hình hoa, quả,…
Những loại nhân bánh độc đáo cũng được biến tấu theo nhu cầu của người dùng chẳng hạn như bánh trung thu nhân socola cà phê, bánh trung thu ngàn lớp bắt mắt và phong phú…
Trọng lượng bánh trung thu handmade cũng rất đa dạng, nhỏ nhất từ 100g, 120g, 150g, 200g… Mỗi loại trọng lượng bánh khác nhau thì đều có những dụng cụ khuôn bánh phù hợp.
Các loại nhân bánh cũng khá đa dạng, bao gồm nhân ngọt và nhân mặn. Các loại nhân bánh phổ biến như: khoai môn, đậu xanh, đậu xanh sữa dừa, đậu xanh lá dứa, nhân trà xanh, nhân đậu đỏ… ngoài ra người mua có thể tùy chọn cho thêm trứng muối vào nhân bánh hoặc không.
Các loại nhân mặn ít phong phú hơn, bao gồm những loại nhân truyền thống như: nạp xưởng, thịt mỡ lá chanh, nhân thập cẩm…
Giá cả nguyên liệu làm bánh trung thu cũng được giao bán kháo mềm, bột làm bánh dẻo: 50.000 đồng/gói 1 kg, 30.000 đồng/gói 0.5kg; bột làm bánh nướng: 25.000 đồng/kg, 15.000 đồng/gói 0.5kg; nhân khoai môn 80.000 đồng/kg; nhân đậu đỏ 80.000/kg, nhân lá dứa 100.000 đồng/kg, nhân đậu xanh 80.000 đồng/kg, nhân thập cẩm 200.000 đồng/kg,...
Chị Vân, một người chuyên nhận làm bánh trung thu handmade cho biết, còn một tháng nữa mới đến Tết trung thu nhưng đơn đặt hàng khá nhiều. Hầu hết những người đặt hàng muốn đặt hàng ăn thử trước khi quyết định xem trung thu có nên mua hay không.
Cẩn thận mua phải bánh làm bằng nguyên liệu "3 không"
Thị trường nguyên liệu bánh trung thu năm nay đang rộ mốt “nhà làm” nên không nhãn mác, không chất lượng cũng như thời hạn sử dụng. Đáng lo ngại hơn là tình trạng, nhiều cá nhân, vì muốn có lợi nhuận cao đã mua những loại nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc để làm bánh.
Trên thực tế, tình trạng nhân bánh trung thu Trung Quốc không rõ chất lượng xuất hiện trên thị trường khá phổ biến vào dịp gần trung thu trong những năm qua.
Hiện nay, các loại nguyên liệu để làm bánh trung thu bắt đầu được bán tại nhiều khu chợ lớn tại Hà Nội. Mọi thứ từ bột, nhân đến nước đường chưng cất đều có sẵn trên thị trường. Dạo một vòng qua các phố Hàng Thiếc, Hàng Buồm, phố Cao Thắng - chợ Đồng Xuân, Hàng Mã… có thể dễ dàng mua nguyên liệu làm bánh, và hầu hết các loại mứt, lạp xưởng, bột... đều chỉ đóng túi nilon thủ công, buộc chun, tên hàng hóa được viết bằng tay lên các túi. Khi khách cần, người bán hàng chỉ đổ ra cân và đóng gói để khách mang về. Không hề có bất kỳ thông tin gì về các loại nguyên liệu này từ nơi sản xuất, thành phần hay hạn sử dụng...
Các loại nhân, bột làm bánh được rao bán với giá khá mềm, bột mỗi cân giá cao nhất chỉ khoảng 90.000 đồng/kg, mứt bí 80.000 đồng/kg, lạp xưởng 140.000 đồng/kg… Chỉ cần bỏ ra khoảng 200.000 đồng là có thể làm được 7-10 chiếc bánh trung thu. Càng mua nhiều nguyên liệu càng được “chiết khấu”, giảm giá nhiệt tình. Tính ra mỗi chiếc bánh trung thu chỉ dao động từ 15.000- 30.000 đồng/chiếc, rất bình dân mà lại “vừa miệng” với những ai thích thịt mỡ, sen trần, lạp xưởng….
Ngoài các nguyên liệu trên, để tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn nữa trong việc làm bánh, các loại nhân nhuyễn trộn sẵn được nhiều tiểu thương làm tại nhà rồi bán. Tại Hà Nội, những cửa hàng có nhân bánh bán sẵn trên phố Hồng Hà được khá nhiều những “tay làm bánh” Trung thu lựa chọn.
Đặc biệt, việc sử dụng nước tro tàu để tạo màu cho bánh nướng hiện nay cũng là điều đáng bàn. Theo người bán, nước tro tràu là thành phần được dùng để đun nước đường bánh nướng và sử dụng cho vào phần bột vỏ bánh. Ngày trước, nước tro tàu được làm bằng cách: tro được lấy sau khi đun vỏ bưởi hoặc các loại cây cỏ,… Để lắng tro và gạn lấy nước trong. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng nhiều, nước tro bán trên thị trường ngày nay thường là nước tro hóa học. Theo người bán, vì lượng nước tro tàu sử dụng trong 1 công thức bánh rất ít nên cũng không lo gây độc hại. Vậy nhưng, việc sử dụng loại chất hóa học này với người làm bánh hand made làm sao để kiểm soát được định lượng? và vô tình, người dùng bánh lại vướng vào một mối nguy thường trực với sức khỏe.
Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng – Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phân tích, để chuẩn bị làm ra chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh. Đặc biệt, bánh được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình.
Phân tích về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tiến sỹ Hùng cho hay, mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu...)
"Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn," ông Hùng nhấn mạnh.
Năm nay, để “khéo” che đậy chất lượng “nhập nhằng” của bánh trung thu handmade, một số cơ sở sản xuất còn rập túi, đóng hộp hoàn hảo. Tại các phố “nguyên liệu”, chủ hàng còn bán kèm các vỏ hộp bánh cổ truyền rất bắt mắt, giá chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn tùy loại. Vì thế những chiếc bánh handmade dù tròn hay méo; dù không kiểm định, không hạn sử dụng vẫn cứ được “khoác áo” bao bì đẹp.
Vì vậy, nếu người tiêu dùng muốn có sản phẩm bánh trung thu độc đáo để biếu tặng hay sử dụng thì có thể tự làm, hoặc có đặt mua thì cũng từ những nguồn thân cận. Nếu không, hãy sử dụng bánh trung thu của các thương hiệu uy tín, tránh việc đặt mua bánh trung thu trên mạng hay từ những nguồn không đáng tin cậy.