Ngày 1/1, Thành đoàn TP.HCM tổ chức Lễ Tuyên dương Công dân Trẻ Tiêu biểu thành phố năm 2023.
Năm 2023, từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi thành phố, qua giới thiệu của các sở, ban, ngành thành phố và các cơ sở Đoàn, các cơ quan thông tấn, báo chí, Hội đồng bình chọn đã quyết định trao danh hiệu “Công dân Trẻ Tiêu biểu TP.HCM năm 2023” cho 14 cá nhân tiêu biểu nhất trong tổng số hơn 2,9 triệu thanh niên và hơn 1,4 triệu thiếu nhi thành phố.
14 gương mặt Công dân Trẻ Tiêu biểu TP.HCM năm 2023 là những điển hình xuất sắc nhất trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu, lao động, rèn luyện và cống hiến; đại diện cho sức trẻ thành phố “Khát vọng-Xung kích-Tri thức-Bản lĩnh”; giúp lan tỏa thông điệp về một thế hệ trẻ thành phố sống có trách nhiệm với bản thân, công việc và với niềm tin của nhân dân thành phố; luôn đổi mới tư duy, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn; không ngừng khát vọng, kiên trì theo đuổi ước mơ; vượt qua giới hạn bản thân, tự tin hội nhập vươn ra biển lớn.
Trong số những gương mặt trẻ được vinh danh, người có học hàm cao nhất là PGS.TS Lê Thanh Long. Trước đó, trong năm 2023, anh vừa được công nhận chức danh Phó giáo sư và là một trong những Phó giáo sư trẻ của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
PGS.TS Lê Thanh Long sinh năm 1988, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện, PGS Lê Thanh Long đang là giảng viên và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Là Ủy viên Ủy hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 10 nhiệm kỳ 2019-2024.
Anh được cấp bằng đại học vào năm 2011 ngành kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Đến năm 2016, khi mới 28 tuổi, anh nhận bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan.
Năm 2022, PGS Lê Thanh Long nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng, đạt danh hiệu Thanh niên tiêu biểu TP.HCM, đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, PGS Lê Thanh Long đã có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước, chủ trì một đề tài cấp Quốc gia (Nafostes) và chủ nhiệm một đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, một đề tài cấp Đại học Quốc gia; 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu…
Trong năm 2022-2023, PGS Long có 5 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận; nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với sản phẩm là Phòng áp lực âm. Sản phẩm này có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Hai hướng nghiên cứu chủ yếu của PGS.TS Lê Thanh Long là nghiên cứu tính toán động lực học chất lưu; nghiên cứu thiết kế chế tạo và điều khiển các thiết bị cơ khí.
Một điều khá ấn tượng là anh Long cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã chế tạo thành công 2 sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng trong thực tế. Ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng ở TP.HCM, anh Long cùng nhóm đã sáng tạo ra sản phẩm buồng phun dịch khử khuẩn đa năng, có chức năng phun tự động ở dạng sương bằng công nghệ phun siêu âm nhằm khử khuẩn và hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Sản phẩm đã góp phần vào việc chung tay phòng, chống dịch bệnh của thành phố.
Một sản phẩm khác cũng rất ấn tượng là hệ thống IoT check-in Bách khoa giúp nhận dạng danh tính người vào trường thông qua việc quét thẻ bằng camera, đảm bảo việc mang khẩu trang trước khi vào trường, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn bằng thiết bị tự động và toàn bộ dữ liệu được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của trường.
Hàng năm, PGS.TS Lê Thanh Long hướng dẫn trung bình 6-8 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và hướng dẫn thành công 4 học viên cao học đã nhận bằng thạc sĩ. Đến nay, Thanh Long đã hướng dẫn sinh viên thực hiện 25 khóa luận tốt nghiệp và 4 luận văn thạc sĩ cho học viên cao học.
Bảo An (T/h)