Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau. Trong đó, hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xy lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04kw.
Bằng lái xe hạng A0: Học sinh sắp "hết cửa" vô tư chạy xe máy, xe đạp điện - Hình minh họa |
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây có liên quan đến học sinh trong độ tuổi 16-18 (độ tuổi THPT); 52% học sinh hiện đang đến trường bằng xe đạp điện hoặc xe máy nhưng không có giấy phép lái xe.
Trước thực tế đó, Dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi đã đưa ra quy định bắt buộc người trên 16 tuổi phải có giấy phép lái xe A0 khi tham gia giao thông, và quy định này đang nhận được sự quan tâm và đồng tình của đại đa số người dân.
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE. Cụ thể:
- Hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xy lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04kw.
Trong đó, xe gắn máy là phương tiện có 02 hoặc 03 bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, chế tạo để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50km/h.
Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50cm3.
Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất định mức liên tục lớn nhất không quá 4kw.
Xe gắn máy gồm cả xe đạp gắn động cơ đốt trong và xe đạp gắn động cơ điện (trừ xe đạp điện có công suất lớn nhất không quá 250w).
Người 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A0 phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe; các khu vực khác được thực hiện tại các sân sát hạch có sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lợi ích của việc học và thi giấy phép lái xe A0 là được bồi dưỡng kiến thức về luật giao thông đường bộ và kỹ năng điều khiển xe, tạo môi trường giao thông an toàn, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn và giảm chi phí xã hội. Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể và khuyến khích xã hội hóa để phục vụ nhu cầu thi giấy phép lái xe A0.
- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 - 125cm3 (hiện nay là 50cm3 - dưới 175cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 04kw - 11kw và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A0.
- Hạng A cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kw và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A0, A1.
- Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.
- Hạng B2 cấp cho người lái xe ô tôchở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe) số tự động; tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) số tự động có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B2 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg.
- Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe); xe ô tô tải(kể cả ô tô tải chuyên dùng) có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
- Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéocó khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc không vượt quá 750 kg;các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B.
- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1.
- Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 16 chỗ;các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg;các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1, C.
- Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người(kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg;các loại xe quy định cho giấy phép lái xe cáchạng B2, B, C1, C, D1.
- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 30 chỗ; xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B2, B, C1, C, D1, D2.
- Hạng BE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng C1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750kg.
- Hạng CE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
- Hạng D1E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng D2E cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg.
- Hạng DE cấp cho người lái xe để lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D khi kéo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Trao đổi trên báo chí, bà Hoàng Hồng Hạnh, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết việc quy định hạng giấy phép lái xe A0 trong dự thảo luật này là để phù hợp với các quy định của Công ước Vienna.
Đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.
Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, bên cạnh mặt tích cực là phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội và để nâng cao hiểu biết và ý thức tham gia giao thông đối với đối tượng học sinh từ 16-18 tuổi thì cũng có nhiều điều cần suy nghĩ.
Đặc biệt là quá trình dạy và tổ chức thi cấp bằng lái cho nhóm đối tượng này thế nào cho hiệu quả.
Theo ông Long, để quy định có thể phát huy được tác dụng thì cần phải có lộ trình và cách làm phù hợp, tránh những áp lực không đáng có cho cả người học và lực lượng chức năng.
Thực tế việc giáo dục an toàn giao thông đã được triển khai trong các nhà trường nhưng thường chỉ được lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức thưa thớt.
Việc giáo dục kiến thức về tham gia giao thông chưa được đánh giá đúng với vai trò quan trọng của nó đối với cuộc sống hàng ngày của học sinh khi hiện nay phần lớn học sinh đã được gia đình mua xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí xe máy để chủ động đến trường.
Thêm nữa đối tượng học sinh từ 16-18 tuổi đang ở giai đoạn cấp 3 khi áp lực thi cử, học hành đè nặng thì không có thời gian và ý thức quan tâm tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, về phía gia đình, đa phần phụ huynh không sát sao hướng dẫn, nhắc nhở, tập huấn cho các em về kỹ năng giao thông an toàn.
Chính bản thân các em, nhà trường, gia đình chưa giáo dục, hình thành cho các em ý thức về tham gia giao thông an toàn.
Do đó, triển khai quy định pháp luật mới để có hiệu quả như mong muốn của các nhà làm luật thì phải có các giải pháp cho việc học, thi để tấm bằng lái xe không chỉ còn là hình thức.
Nhà trường nên sắp xếp hẳn một thời gian nhất định trong tuần để dạy học sinh kiến thức tham gia giao thông như một môn học khác.
Cần kết hợp với giáo viên ở các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe về trường đào tạo kiến thức lý thuyết kết hợp với các giờ thực hành như một bài thi tiêu chuẩn để các em có cơ sở nền tảng tham gia thi sát hạch giấy phép lái xe.
Chỉ cần nhà trường tổ chức dạy và học nghiêm túc, kết quả học tập tính vào điểm thi đua thì chắc chắn các em học sinh sẽ có ý thức trong việc học hơn đối với các kiến thức tham gia giao thông.
Các bậc phụ huynh nên chủ động, thường xuyên dặn dò con em cách tham gia giao thông an toàn từ nhà đến trường. Giúp các em học lý thuyết luật an toàn giao thông phục vụ cho cuộc thi sát hạch.
Với các lực lượng chức năng, các trung tâm tổ chức cuộc thi sát hạch giấy phép lái xe ở các địa phương, cần kết hợp với cơ quan chính quyền địa phương rà soát để có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu trên từng địa bàn, từng địa phương, khu vực...
Kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe để có kế hoạch tổ chức thi theo từng độ tuổi và tổ chức lại thời gian các cuộc thi trong một năm để đáp ứng đủ nhu cầu.
Cự Giải(T/h)