(ĐSPL) - Khi “ngoại giao” với chòm xóm, tướng cướp Lê Anh Kiệt là một kỳ thủ được mọi người nể phục. Còn khi về nhà, Kiệt luôn là một người cha cưng chiều con, một người chồng hết lòng thương vợ, cùng vợ sớm hôm bên sạp rau để lo cuộc sống. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, đây chỉ là vỏ bọc Kiệt ẩn mình để che mắt các trinh sát.
Quy ẩn bằng nghề bán rau
Trong vòng 5 năm từ năm 2000 đến 2005, băng cướp của Kiệt đã thực hiện thành công 8 phi vụ với hơn 1000 lượng vàng. Sau vụ cướp ở Vĩnh Long, Kiệt tuyên bố “gác kiếm”, giải tán băng nhóm. Cũng trong khoảng thời gian đó, Kiệt tạo ra được lớp vỏ bọc hoàn hảo để quy ẩn, không một ai biết được nhiều về vợ con cũng như việc làm của Kiệt. Điều duy nhất Kiệt để lại ấn tượng với những người mình từng gặp là một người đàn ông vui vẻ, luôn hết lòng vì gia đình.
Quay lại khu vực chợ Phạm Thế Hiển để tìm hiểu câu chuyện về tướng cướp Lê Anh Kiệt, chúng tôi được biết đây là khu vực Kiệt vẫn thường hay lui tới đánh cờ trong thời gian “quy ẩn”. Nhắc đến Kiệt, bà Phan Thị Giàu, một người từng khá nhiều lần tiếp xúc với Kiệt vẫn nhắc đến tên tướng cướp này như một người em trai xởi lởi, biết điều. “Lấy vợ ra ở riêng, thuê phòng trọ tận bên Q.7 nhưng ngày nào Kiệt cũng về bên này chơi cờ tướng với bạn cũ. Có lúc Kiệt tự qua, không thì gọi điện kêu thằng Linh – em trai tôi (bạn của Kiệt - PV) chạy qua chở nó về đây chơi cờ tướng với mọi người. Chơi xong thằng Linh lại chở nó về bên Q.7. Thằng này dù đã có vợ con, phải lo cơm áo gạo tiền nhưng vẫn không dứt được “cơn nghiện” chơi cờ tướng hàng ngày”, bà Giàu cho hay.
Bà Giàu cũng cho biết, mặc dù mỗi khi gặp mặt đều hỏi thăm chuyện gia đình, làm ăn, tuy nhiên cả chung cư cũng chỉ biết Kiệt đã có hai đứa con, vợ đang bán rau, ngoài ra Kiệt không hề nói gì nhiều về gia đình của mình. Những lần nhờ người bạn chở về bên Q.7, Kiệt đều chỉ tới một quán cà phê ngay đầu hẻm rồi nhờ người thân ra đón chứ không bao giờ để “xe ôm” đưa vào tận nơi. Bà Giàu bảo: “Em trai tôi thường kể phòng trọ tôi ở xa lắm, đường hẻm ngoằn ngoèo nữa. Hơn 5 năm quen biết rồi biết bao lần chở Kiệt về mà nó cũng chẳng nhớ nổi nơi ở của Kiệt, về sau này khi vụ án được đưa ra xét xử, chúng tôi mới vỡ lẽ bởi Kiệt cố ý giấu”.
Mặc dù không nói gì nhiều về bản thân cũng như gia đình song Kiệt lại tỏ ra rất niềm nở với hàng xóm. Mỗi lần trở lại chung cư Phạm Thế Hiển (P.4, Q.8, TP.HCM, nơi Kiệt sinh ra và sống hết tuổi trưởng thành – PV) Kiệt đều niềm nở chào hỏi tất cả chòm xóm, nhất là rất lễ phép với những người cao tuổi. Nhắc về Kiệt, những người dân sống gần nhà đối tượng này đều có nhận định chung, Kiệt là một người khá trầm tính, có phần ít nói, không bao giờ phô trương thân thế. Hành tung của Kiệt vẫn khá bí ẩn, bởi từ ngày lấy vợ, Kiệt chỉ xuất hiện vào những lúc chơi cờ và không ai biết một chút thông tin gì về gia đình nhỏ của Kiệt. Chỉ đến khi tận mắt thấy Lê Anh Kiệt tra tay vào còng số tám họ mới ngã ngửa, bởi Kiệt đã tạo ra một lớp vỏ bọc quá hoàn hảo.
Ngày đền tội
Sau khi vụ cướp tại Vĩnh Long vào năm 2005, Kiệt tuyên bố “rã nhóm”, yêu cầu Tiếm phi tang khẩu súng và tuyệt nhiên không liên lạc với bất kỳ thành viên nào nữa. Thế nhưng chỉ được hơn 5 năm, Tiếm lại lâm vào cảnh cháy túi, số vàng khổng lồ cướp được hắn chỉ “nướng” trong chốc lát là đã hết. Đã quen với lối sống sa đọa, ăn chơi trác táng, nay không chịu nổi cảnh nghèo đói, Tiếm lại lên kế hoạch tiếp tục “đánh cá”. Nói là làm, y lặn lội từ Tây Ninh lên TP.HCM, tìm đến Kiệt và cùng bàn bạc về kế hoạch tiếp tục cướp tiệm vàng.
Tiếm báo cho Kiệt biết đã giao tiền cho “Chó lửa” (là tên chúng gọi Nguyễn Văn Nhãn – PV) sang Campuchia mua “lưới” (súng), dặn Kiệt cứ tìm “ao” (địa điểm) để chuẩn bị “đánh cá” (cướp). Trong hơn 1 tháng, Kiệt vẫn cần mẫn dậy từ 2 – 3 giờ sáng, chở vợ đi chợ đầu mối lấy hàng, về phụ vợ bán rau, sau đó bán cơm, hết việc thì đi đánh cờ tướng. Song ít ai biết, mỗi khi chạy sang những vùng lân cận giao hàng, Kiệt đều cố ý rảo qua các con đường có tiệm vàng để dò tìm, quan sát kỹ lưỡng. Sau nhiều lần khảo sát các tiệm vàng tại khu vực Q.2, Q.5, Q.6, Q.4, Q.8, Kiệt chọn hai tiệm vàng là Kim Hồng (chợ Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8) và Đức Hạnh (đường Nguyễn Hữu Hào, P.6, Q.4) để chuẩn bị ra tay.
Ma mãnh và lọc lõi, Huỳnh Văn Tiếm cũng là một ẩn số với tổ trinh sát bởi hành tung của y bí ẩn chẳng thua kém Kiệt. Qua thu thập, các trinh sát biết Tiếm ở phòng trọ cùng vợ hờ, nhưng y chỉ sinh hoạt ở đó ban ngày, đêm đến y lại về chỗ khác ngủ. Nơi Tiếm ở quan sát được mọi diễn biến bên ngoài, có thể đi ra nhiều hướng khác, còn từ ngoài vào thì mù tịt, lại chỉ có một con đường Tiếm có thể thấy. Mỗi lần “Chó lửa” từ Tây Ninh về gặp Tiếm, “Chó lửa” đưa cả xe vào một phòng trọ có lối đi thông với phòng của Tiếm và không bao giờ ra ngoài. Mọi đồ ăn thức uống, các vật dụng sinh hoạt đều do Tiếm chuyển cho “Chó lửa”.
Đặc biệt, quy luật của Tiếm và Kiệt chỉ liên lạc với nhau sau 20h mỗi ngày, khi liên lạc chỉ dùng từ lóng. Sau khi đã nhắm được địa điểm ra tay, Kiệt hẹn Tiếm và Phước ở một quán café trên đường Lê Văn Lương (Q.7, TP.HCM) để bàn bạc lần cuối kế hoạch đi cướp. Chúng không ngờ mọi hoạt động của mình đều nằm trong tầm ngắm của các trinh sát. Và lần này giấc mơ về “điềm báo” mà Kiệt vẫn băn khoăn đã thành sự thật.
Khoảng 16h30 ngày 8/10/2011, quán café Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương (Q.7, TP.HCM) vẫn buôn bán như thường lệ. Như đã y hẹn, Lê Anh Kiệt, trong bộ dạng khá trí thức, với cặp kính trắng cùng mái tóc bồng lượn sóng, bộ ria mép kéo dài hết vòm miệng rất đặc trưng. Vẫn dáng vẻ hoạt bát thường ngày, sau khi để xe y nhanh chóng bước vào quán. Sau một hồi đảo mắt ngó nghiêng, Kiệt tìm một góc khuất rồi kêu café uống, lúc này trời vẫn đang mưa tầm tã. Thỉnh thoảng Kiệt ngó ra ngoài cửa quán, rõ là y đang chờ một ai đó.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, trong cơn mưa tầm tã lúc chạng vạng tối, lại xuất hiện thêm hai người đàn ông trung niên khác vào ngồi chung. Cả ba chụm đầu vào bàn bạc một việc gì đó rất hệ trọng. Chúng không biết rằng, xung quanh mình, các bàn khách đều là những vị khách đặc biệt, đang theo dõi nhất cử nhất động của chúng và sẵn sàng chờ lệnh điều động. Mọi hoạt động có vẻ vẫn diễn ra bình thường nhưng ẩn phía sau là bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng và những hành động, cử chỉ đều tuân theo một quy tắc chặt chẽ được hoạch định trước.
Cùng lúc đó, phía ngoài quán café, dù trời mưa khá to song các trinh sát đã nhanh chóng hình thành mạng lưới bủa vây băng cướp, phong tỏa mọi lối thoát của chúng.
Về phần ba vị khách trong quán, sau khi đã thống nhất, Kiệt móc trong túi quần ra một bọc vải trắng đưa cho người đối diện. Đột nhiên một tiếng động vang lên, tám thanh niên ngồi ở những bàn xung quanh Kiệt nhanh như cắt tiếp cận khống chế, quật ngã cả ba đối tượng khiến chúng không kịp trở tay. Chỉ trong nháy mắt, bầu không khí im lặng vỡ òa, mọi người nhốn nháo chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cả Kiệt, Tiếm và Phước đã tra tay vào còng số 8. Lúc này những người xung quanh mới biết rằng lực lượng công an đang làm nhiệm vụ bắt tội phạm, nhưng họ không biết chúng là những tên cướp cực kì nguy hiểm đã gây ra nhiều vụ án chấn động TP.HCM và các tỉnh lân cận trong vòng 10 năm qua.
Sau 10 năm kể từ vụ cướp đầu tiên vào năm 2000 tại tiềm vàng K’ Tân Tiến (chợ Long Hoa, H. Hòa Thành, Tây Ninh) do Tiếm, Lộc thực hiện, băng nhóm của Lê Anh Kiệt và đồng bọn đã thực hiện trót lọt 8 vụ cướp trong khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cho đến ngày 8/10/2011, sau hơn 10 năm theo sát, điều tra để truy tìm chứng cứ băng nhóm của Kiệt đã bị tóm gọn, chấm dứt cơn ác mộng dai dẳng đối với các tiểu thương kinh doanh vàng ở khu vực phía Nam. Trong ngày băng cướp đền tội, điều nhiều người thắc mắc là hơn 1000 lượng vàng cướp được bọn chúng đã sử dụng như thế nào? Liệu gia đình chúng có được “hưởng sái”? Và cho đến ngày tra tay vào còng, số vàng khổng lồ đó còn lại bao nhiêu?
Phía sau bản án- Để lại cho con sự mồ côi
LINH LINH – THANH NHI
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bang-cuop-1000-luong-vang-vo-boc-hoan-hao-khong-che-noi-ten-cuop-hung-bao-a92940.html