(ĐSPL) – Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng không chỉ về mặt nghệ thuật, tinh thần mà còn được đặt trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu hóa, là cơ hội tham gia phát triển kinh tế, lập nghiệp cho những người trẻ.
Đó là chủ đề chính được đưa ra thảo luận trong buổi tọa đàm đi tìm “Chất Hà Nội” dưới góc nhìn Công nghiệp văn hóa. Diễn ra tại hội trường lớn Đại học Văn hóa Hà Nội chiều ngày 4/12.
Buổi tọa đàm do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia và Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) phối hợp tổ chức.
PGS.TS. Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học văn hóa Hà Nội phát biểu khai mạc. |
Đây là tọa đàm nằm trong khuôn khổ của cuộc thi “Chất Hà Nội” đã được phát động từ ngày 25/10 đến 30/11/2014.
Một sản phẩm sáng tạo dự thi "Chất Hà Nội". |
Theo định nghĩa của UNESCO, Công nghiệp Văn hoá (CNVH), là sự kết hợp 3 yếu tố Sáng tạo, Sản xuất và Phân phối các sản phẩm và dịch vụ có đặc thù mang đậm chất văn hoá và thường được bảo vệ bởi Quyền Sở hữu Trí tuệ, đem lại lợi ích kinh tế cho cá nhân và quốc gia.
Theo đó, có một số ngành hội đủ các yếu tố để gọi là ngành CNVH, gồm: Văn học, Hội họa, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Bảo tàng, Lễ hội, Phát thanh Truyền hình, Điện ảnh, Báo chí, Xuất bản, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điêu khắc, Kiến trúc, Trình diễn nghệ thuật... Đây được cho là những ngành nghề của nền kinh tế sáng tạo và trong tương lai sẽ thu hút nhiều nhân lực, tạo ra nhiều giá trị kinh tế, giúp cân bằng cuộc sống và hướng đến sự phát triển bền vững. Ngoài ra những phong tục vùng miền, lễ nghi ứng xử… cũng là những nét văn hóa thường ngày có thể đưa vào khai thác.
Trong buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo đưa ra các con số chứng minh ngành CNVH trên thế giới đang rất phát triển.
Các ngành CNVH ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5\% GDP, chiếm 10 - 15\% thị phần CNVH thế giới. 85\% thu nhập quốc dân của Hồng Kông (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình.
Hàn Quốc có ảnh hưởng tới toàn cầu nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, tạo thành làn sóng Hallyu... Michael Jackson thu được 140 triệu USD trong năm qua mặc dù anh ấy đã mất, Elvis Presley thu đc 3-50 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa vẫn còn là một cái gì đó rất mới mẻ và chúng ta chưa có được một sự đầu tư bài bản, đúng hướng.
Và để lấy một ví dụ về CNVH giúp bạn trẻ có thể làm giàu, anh Nguyễn Đình Nguyên - Founder & CEO Tò He đã giới thiệu đến các bạn sinh viên những sản phẩm mà công ty của anh ấy đã tạo ra, đó là những sản phẩm mà các em bé vẽ. Từ đó in lên các đồ dùng hàng ngày như túi xách, ví… Đó chính là sự sáng tạo.
Anh Nguyễn Đình Nguyên chia sẻ với bạn trẻ về Tò He - Đưa văn hóa vào trong sáng tạo sản phẩm. |
“Tò He cũng mong muốn hợp tác với các thí sinh của cuộc thi Chất Hà Nội, những bạn trẻ yêu thích văn hóa và muốn dấn thân vào ngành công nghiệp văn hóa thông qua dự án Tò He & Friend. Hai bên sẽ cùng đưa ra các vật phẩm lấy nền tảng từ văn hóa và chia sẻ lợi nhuận”, anh Đình Nguyên chia sẻ thêm.
Cuối buổi tọa đàm, các bạn sinh viên, các nhà sáng tạo trẻ đã chia sẻ và định hướng về cơ hội nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm cùng ông Lê Quốc Vinh. |