+Aa-
    Zalo

    Bàn tay che mặt trời và chiêu lách luật bằng hợp đồng ma

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dường như bản hợp đồng mang tính thủ tục đã “tạo cửa” cho các doanh nghiệp thoải mái “lập lờ đánh lận con đen”, để đưa đón khách.

    (ĐSPL) - Dường như bản hợp đồng mang tính thủ tục đã “tạo cửa” cho các doanh nghiệp thoải mái “lập lờ đánh lận con đen”, để đưa đón khách. Tình trạng các xe hợp đồng hoạt động tràn lan trên địa bàn Hà Nội, đã cho thấy nhiều kẽ hở và bất cập trong công tác quản lý.

    Bản hợp đồng kỳ lạ

    Sau nhiều ngày tìm hiểu, PV báo ĐS&PL đã phát hiện được quy trình hoạt động của những đoàn xe “bí hiểm” này. Thời điểm khởi hành từ điểm đỗ ở gần cổng siêu thị Big C, (Hà Nội) những chiếc xe này sẽ di chuyển ra trụ sở của công ty xe Hà Lan trên đường Nguyễn Chánh để đón khách là khoảng 15h10’ vào các ngày. Sau khi đón một loạt khách đã có tên theo hợp đồng đặt trước, chiếc xe này sẽ tiếp tục hành trình di chuyển ra khu vực bảo tàng Hà Nội. Đây chính là địa điểm đón khách thứ hai của nhà xe và có số lượng khách tương đối đông.

    Tại đây, chiếc xe này sẽ dừng lại khoảng chừng 3-5 phút để các khách lên xe. Thông thường, tại những điểm đón khách này sẽ có 1-2 người của công ty xe Hà Lan nắm danh sách những người đã đặt hợp đồng trước đó, để bố trí khách lên xe theo giờ. Thật sự khi trở thành hành khách của những chuyến xe dù trá hình này, chúng tôi mới thấy nhiều sự việc quá bất ngờ.

    “Bến cóc” công khai trá hình nhưng vẫn... không sai?

    Đến ngày 5/8, sau nhiều ngày đặt xe tại các “bến” mà nhà xe chỉ định, chúng tôi đã chọn địa điểm xuất phát cho chuyến đi Thái Nguyên là tại địa chỉ 82 Nguyễn Chánh. Trước lúc lên xe, nhân viên của xe khách Hà Lan bỗng dưng đưa cho chúng tôi một bản hợp đồng và chỉ chỗ cho chúng tôi ký vào. Khi không rõ việc ký kết này, chúng tôi thắc mắc hỏi lại, thì nhân viên không giải thích mà chỉ nài nỉ: “Anh cứ ký vào hộ em với, cái này quy định của công ty anh ạ!”.

    Theo hợp đồng mà nhân viên này đưa, thì đây là hợp đồng vận chuyển hành khách được công ty soạn sẵn với một số chỗ trống để điền vào sau. Hợp đồng được lập ra bởi công ty cổ phần và thương mại du lịch Hà Lan có địa chỉ tại tổ 5, phường Tân Long, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do ông Nguyễn Quang Trung với chức vụ Phó Giám đốc làm đại diện. Hợp đồng vận chuyển khách này còn được đi kèm với một giấy ủy quyền và danh sách khách hàng cũng được công ty soạn sẵn, tuy nhiên các phần thông tin cụ thể đều được bỏ trống. Như vậy, “hồ sơ” lên xe mà chúng tôi phải ký rất đầy đủ, mặc dù những vị khách có mặt cùng chúng tôi trên chuyến xe mang BKS 20B – 01315 không hề quen biết nhau. Giá trị bản hợp đồng chở khách mà chúng tôi vừa ký theo công ty là 1.100.000 đồng, phần chữ lại ghi “một triệu một trăm đồng chẵn”.

    Trong bản hợp đồng mà công ty soạn sẵn có cả những địa điểm đón trả khách cố định như: 82 Nguyễn Chánh, bảo tàng Dân tộc học, chung cư vườn Đào, sân bay Nội Bài còn địa điểm trả khách tại Thái Nguyên là siêu thị Thanh niên, khách sạn Đông Á 1, khách sạn Thái Nguyên, siêu thị Media Mart và công ty Hà Lan. Những địa điểm cố định này được Công ty sắp đặt trước. Sau khi di chuyển, chuyến xe đưa đón chúng tôi chạy lòng vòng bắt khách theo các điểm đã được quy định sẵn trong hợp đồng. Khi lên xe, tài xế của hãng này vừa lái vừa đưa giấy ủy quyền cho khách hàng ký vào giấy ủy quyền và thu tiền trực tiếp. Giá của khách là 120.000 đồng/chuyến xe. Như vậy sau khi thu tiền 10 khách, nhà xe sẽ thu lại 1.200.000 đồng, dù thực thế hợp đồng chỉ ký có 1.100.000 đồng.

    “Bùa hộ mệnh” khiến cơ quan chức năng bất lực?

    Thực tế, khi thực hiện bài viết, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xử lý “xe dù, bến cóc” có bằng chứng rõ ràng với lãnh đạo cấp ngành có liên quan thế nhưng việc kiểm tra, chấn chỉnh đang gặp nhiều vấn đề.

    Liên hệ với sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Nguyên, ông Nguyễn Tiến Vinh cho biết: Sở GTVT Thái Nguyên cũng đã nhận được phản ánh từ phía các cơ quan thông tin báo chí và đã có biên bản làm việc và có văn bản báo cáo bộ GTVT về việc tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hiện tượng xe khách trá hình trên địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên”.

    Theo văn bản của Sở này thì từ tháng 11/2015 đến nay, công ty CP&TM DL Hà Lan và DNTN Sơn Mến nộp hồ sơ xin cấp giấy phép và phù hiệu xe hợp đồng cho các xe khách của các công ty này. Sau khi thẩm định, sở GTVT Thái Nguyên đã cấp phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” cho các loại xe này. Hai công ty trên đều không có chức năng chở khách theo tuyến cố định.

    Đoàn kiểm tra của sở GTVT Thái Nguyên kết luận rằng: “Các doanh nghiệp không có tổng đài đặt vé, không thu vé hành khách mà chỉ có tổng đài nhận hợp đồng vận chuyển và nhận tour du lịch”. Nhưng, thực tế suốt thời gian dài, hãng xe này vẫn hoạt động theo tuyến, sở GTVT tỉnh Thái Nguyên vẫn khẳng định đây là xe hợp đồng và nhà xe hoạt động không sai.


    “Bộ” hợp đồng “hộ mệnh” của xe dù bến cóc.

    Còn theo ông Hoàng Ngọc Đức – Đội trưởng đội Thanh tra giao thông vận tải quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, ngay sau khi nhận được những phản ánh của chúng tôi và thực tế quá trình kiểm tra, xử lý các vi phạm, đơn vị đã nắm được những hoạt động của công ty xe khách Hà Lan. Theo đó: “Để làm rõ những vấn đề theo phản ánh, tôi cùng với anh em trong đơn vị đã có những biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra những xe khách của công ty Hà Lan. Thực tế, quá trình kiểm tra các xe khách của công ty này cho thấy, có hiện tượng đón khách ở khu vực Bảo tàng Hà Nội, tuy nhiên khi kiểm tra về mặt thủ tục pháp lý thì lái xe xuất trình được đầy đủ giấy tờ, hợp đồng, đúng theo quy định”. Cũng theo ông Đức, việc các nhà xe mượn danh nghĩa xe hợp đồng để “lách luật” như vậy là rất nguy hiểm. Tới đây, các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý sẽ có trách nhiệm nghiên cứu lại về mô hình hoạt động này.

    Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội thông tin: “Tuyến cố định đã chấp hành tương đối tốt các quy định, nhưng xe hợp đồng vẫn còn lách luật, cái đó là khoảng trống trong vấn đề quản lý. Vấn đề ở chỗ, là cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải tiếp cận với nhau, bàn việc đó, không để xảy ra việc lập xe dù bến cóc, gây rối loạn cả đường phố”.

    Nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý, luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc công ty Luật Nay & Mai (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Thời gian gần đây, nhà xe thường “lách luật” bằng cách ký Hợp đồng dịch vụ vận chuyển hành khách với các hành khách, hoặc với các công ty/đơn vị có nhu cầu đưa đón nhân viên đi làm. Theo quy định của pháp luật về giao kết Hợp đồng thì trong trường hợp này không bị coi là vi phạm, nếu các bên tuân thủ đúng các nguyên tắc khi ký kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, không một hợp đồng nào mà có thể diễn ra giống cố định như vậy. Về hình thức thì có thể gọi là hợp đồng, nhưng xét về bản chất thì đó là tuyến cố định”.

    Xử lý nhiều nhưng chưa triệt để

    Theo số liệu từ Thanh tra sở GTVT Hà Nội, tính từ đầu năm đến tháng Năm, đơn vị này đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với 87 trường hợp kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức xe hợp đồng; tạm giữ 2 phương tiện vi phạm, tước GPLX 30 ngày đối với 27 trường hợp. Còn tại quận Cầu Giấy trong thời gian qua, thanh tra giao thông quận này xử lý 28 trường hợp, tạm giữ 1 xe vi phạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, những hoạt động này vẫn đang công khai thách thức các cơ quan chức năng.

    LẠI CƯỜNG – NGUYÊN MẠNH

    [mecloud]hRGqpzKJ6F[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-tay-che-mat-troi-va-chieu-lach-luat-bang-hop-dong-ma-a146366.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan