+Aa-
    Zalo

    Bản quyền âm nhạc tại Việt Nam: Thói quen "xài chùa" và lổ hổng pháp lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyện bản quyền trong âm nhạc luôn được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ quan tâm bởi việc “xài chùa chất xám” xảy ra như “cơm bữa”.

    Nhiều năm gần đây, chuyện bản quyền trong âm nhạc luôn được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ quan tâm bởi việc “xài chùa chất xám” xảy ra như “cơm bữa” khiến các nhạc sĩ mất bao công “thai nghén tác phẩm” song lại đau đớn nhìn “đứa con” tinh thần của mình bị sử dụng vô tội vạ. Mới đây, có tổ chức bản quyền âm nhạc quốc tế đã gửi thư cảnh báo việc các chương trình tại Việt Nam sử dụng bài hát do họ quản lý mà không xin phép, không trả tác quyền khiến nhiều người thêm đặt câu hỏi quản lý tác quyền ở Việt Nam như thế?

    Quy trình ngược

    Ngày 1/7, ông Satoshi Watanabe, Chủ tịch Tổ chức Quản lý bản quyền âm nhạc JASRAC, có thư gửi trung tâm Bảo vệquyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) về việc dùng tác phẩm chưa xin phép. Trong thư, ông Watanabe cho biết đã nhận được thông báo về tác phẩm âm nhạc Nokoribi (tựa Việt: Tàn tro) được trình diễn tại chương trình Để nhớ một thời ta đã yêu do Tập đoàn Ngọc Việt tổ chức vào tháng 7/2018. Tác phẩm có tác giả là Itsuwa Mayumi và nhà sản xuất L Oreille LTD, đều là thành viên JASRAC.

    Tuy nhiên, chương trình này chưa được sự cho phép sử dụng tác phẩm của VCPMC - là đơn vị đại diện cho quyền biểu diễn và quyền sao chép các tác phẩm của JAS- RAC trong lãnh thổ Việt Nam. Đây chỉ là một trong số nhiều đơn thư của các tổ chức đại diện quyền âm nhạc quốc tế (CMO) gửi đến Việt Nam.

    Trước đó, ngày 24/4 Tổ chức Đại diện quyền âm nhạc SACEM của Pháp cũng đã gửi thư cho VCPMC. Theo danh sách các tác phẩm thuộc sở hữu của họ nhưng được sử dụng tại Việt Nam mà không được sự cho phép của họ. Tổ chức PRS (Anh) cũng gửi thư về việc chương trình Futuristic Polar Bears tại Envy Club, Q.1, TP.HCM đã sử dụng tác phẩm của Hayes Luke.

    Tổ chức GEMA (Đức) gửi thư về chương trình tại Phú Quốc (Kiên Giang) đã sử dụng tác phẩm của thành viên tổ chức này vào ngày 4/1/2019... Từ việc này, nhiều nhạc sĩ cho rằng, việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam và thế giới vẫn còn bị thả lỏng, nhiều nhạc sĩ kêu trời vì tác phẩm của mình bị “xài chùa” mà không biết kêu ai.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch hội Nhạc sĩ Hà Nội cho hay: “Chuyện vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập Thời tôi còn đang làm việc ở sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, nếu đơn vị nào muốn xin biểu diễn đều phải yêu cầu có giấy phép nộp tiền bản quyền mới cấp phép. Hiện tại đang có một quy trình ngược, là cứ cấp phép xong mới có những ồn ào về bản quyền âm nhạc.

    Đáng lẽ ra, phải có những thoả thuận của nhạc sĩ, họ đồng ý cho sử dụng bài hát trước khi biểu diễn? Sao lại lấy “tài sản” của người khác, đồng ý cho một đơn vị sử dụng, sau đó mới thu tiền? Vậy nhỡ có những đơn vị “chầy bửa” không trả thì sao, tìm ai mà đòi khi chương trình xong rồi? Tại sao khi mua hàng hoá khác, phải trả tiền trước mà khi sử dụng tác phẩm của chúng tôi, họ lại làm lỏng lẻo thế? Quy trình đúng là: Trước khi biểu diễn các chương trình, VCPMC phải đứng ra thu tiền bản quyền trước, sau đó có hoá đơn trả tiền bản quyền rồi, các chương trình nghệ thuật mới được cấp phép”.

    “Phía VCPMC được các nhạc sĩ uỷ quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp khi thấy có ai dùng những tác phẩm âm nhạc “chùa” nên khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của nhạc sĩ”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh thẳng thắn.

    Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho hay, anh rất bức xúc khi nhiều bài hát của mình bị “dùng chùa” mà không xin phép.

    Khi được hỏi về vấn đề tác quyền ở Việt Nam đang còn những bất cập gì, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho hay: “Bản thân tôi có tới hơn 200 bài hát đang bị những người mà tôi không quen biết sử dụng trên mạng. Mà không riêng tôi, rất nhiều nhạc sĩ khác đều bị tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát của mình, không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Thế là tự nhiên nhạc sĩ đi viết các tác phẩm để cho “các ông” khác hưởng hết, từ khán giả, doanh thu quảng cáo cho đến khai thác rất nhiều lợi ích kinh tế trên những bài hát đó. Đây là một thực tế mà nhiều nhạc sĩ rất bức xúc”.

    Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt bày tỏ mong muốn về một giải pháp quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến: “Tôi muốn những tác phẩm của anh em nhạc sĩ phải được tôn trọng. Tiêu chí thứ hai, đó là sự minh bạch. Minh bạch ở chỗ khi có người dùng tác phẩm thì số tiền mà họ trả ấy sẽ được hiển thị ngay lập tức trên tài khoản của nhạc sĩ luôn, không thể để “chất xám” của mình bị “trôi sông” như thế. Hầu hết các chương trình nghệ thuật đều là bán vé, họ làm kinh tế trên tác phẩm của chúng tôi, sao lại “ngó lơ” các nhạc sĩ sáng tác ra như vậy?”.

    Ăn trộm mà không bị xử lý thì ai sợ?

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, ca sĩ Việt Tú cho hay: “Trước khi biểu diễn và ra sản phẩm mới, ca sĩ đều phải xin phép các nhạc sĩ để phát hành âm nhạc, để chứng minh rằng, mình không làm các sản phẩm chui. Nhưng đúng là việc bản quyền âm nhạc Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Có ca sĩ phải trả tiền tác quyền mới có bài hát sử dụng, nhưng lại có một ca sĩ khác, vì chơi thân với nhạc sĩ ấy, nên được “cho không” bài hát, thậm chí chỉ mời nhau đi ăn một bữa là xong. Tôi nghĩ bất kỳ sản phẩm nào phát hành theo đường chính ngạch, theo mục đích thương mại, kinh doanh bắt buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng bài hát là trả tiền bản quyền”.

    Việt Tú cho biết thêm, vướng mắc nhất không phải là việc thu tiền bản quyền ở các chương trình lớn, bởi những chương trình đó đếm được trên đầu ngón tay và các công ty, tập đoàn buộc phải làm đúng nghĩa vụ của mình để gây dựng thương hiệu. Bấp cập nhất là các ca sĩ hát ở phòng trà, có ai xin phép các nhạc sĩ để hát? và VCPMC liệu có đủ người để ngồi khắp các phòng trà, hội chợ khắp Bắc – Trung - Nam để thu được tiền bản quyền âm nhạc? Rất khó để làm việc này nghiêm được. Tuy nhiên, hiện tại quyền lợi của nhạc sĩ vẫn được đảm bảo ở mức nào đó: Họ vẫn nhận được tiền từ Internet, nhạc chuông, nhạc số...

    Ca sĩ Việt Tú.

    Liên quan đến vấn nạn vi phạm tác quyền âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, luật sư Nguyễn Thế Truyền - công ty luật Thiên Thanh cho hay: “Mặc dù luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, và sửa đổi, bổ sung vào năm 2019, nhưng thực tế chưa được chú trọng và quan tâm. Số lượng vụ án liên quan đến Sở hữu trí tuệ được đưa ra xét xử chỉ ở con số cực kỳ khiêm tốn. Thậm chí, có những tỉnh mấy năm liên tục không có một vụ nào.

    Trong khi, luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành rất rõ ràng và chặt chẽ. Chứng tỏ, hệ thống hành lang pháp lý hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức cho lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Không ít vụ án đã thụ lý, nhưng vẫn bỏ ngỏ. Thử hỏi, nếu “ăn trộm” mà không bị pháp luật trừng trị, “tại sao họ không ăn trộm”. Và nếu thế, ai còn biết sợ? Những kẻ vi phạm hiện đang không phải chịu chế tài gì, cùng lắm chỉ bị dư luận, dân mạng lên án mà thôi, nên tình trạng vi phạm tác quyền ngày càng tồi tệ”.

    Trước câu hỏi về biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng “xài chùa” chất xám?”, LS. Truyền nêu quan điểm: “Hiện nay, luật Sở hữu trí tuệ ban hành đã đầy đủ và chi tiết, chỉ là chưa được coi trọng, nên không thực hiện. Ngay cả người bị xâm phạm tác quyền cũng không khởi kiện. Họ sợ... đi kiện, vì không biết bao giờ đòi được quyền lợi cho mình. Thiết nghĩ, bao giờ thay đổi tư duy, coi tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) là vô giá, và quyết tâm bảo vệ nó, thì câu chuyện “nói mãi” này mới được giải quyết triệt để. Nếu như xử lý ngay-nghiêm-nặng-triệt để, minh bạch, công khai, đầy đủ, tôi tin chắc không ai dám vi phạm. Như Nghị định 100 vừa ban hành và thực hiện rất chặt chẽ, nên không ai dám uống rượu bia khi lái xe”.

    Cán bộ VCPMC cũng “đau đầu” vì tiền bản quyền âm nhạc

    Ông Vũ Đình Hưng, Trưởng ban Pháp chế VCPMC cho biết: “Hiện bộ VH, TT&DL đang dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016. Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định mới, quy định về văn bản thỏa thuận tác quyền với người nắm quyền sở hữu bài hát vẫn không thay đổi. Có nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước có thể cấp phép cho biểu diễn tác phẩm mà không cần văn bản thỏa thuận giữa chủ sở hữu và ban tổ chức chương trình. Điều này dẫn đến việc các đơn vị cứ xin cấp phép, cứ biểu diễn rồi không thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền. Tình trạng đó khiến cho việc xử lý vi phạm khó giải quyết dứt điểm hoặc không thể giải quyết, hoặc phải chuyển sang giải quyết bằng vụ kiện dân sự, tiếp tục kéo dài và bất cập”.

    Hà Linh - Lạc Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (121)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-quyen-am-nhac-tai-viet-nam-thoi-quen-xai-chua-va-lo-hong-phap-ly-a332890.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan