Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống thanh toán của Việt Nam đã được bổ sung thêm hơn 506.200 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng trên diện rộng từ đầu năm cũng với xu hướng gia tăng của tổng phương diện thanh toán đã khiến dòng tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp chảy vào kênh gửi ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 6, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,849 triệu tỷ đồng, tăng 3,61% so với đầu năm.
Chỉ tính riêng tháng 6/2022, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng thêm gần 42.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, người dân đã mang tổng cộng gần 319.000 tỷ đồng gửi thêm vào hệ thống ngân hàng, tăng 6,02% so với đầu năm. Mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với năm 2020.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.772 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.
Nếu tính chung 2 nhóm khách hàng doanh nghiệp và người dân, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận thêm hơn 522.500 tỷ đồng tiền gửi trong nửa đầu năm, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước và 25% so với nửa đầu năm 2020.
Đà tăng mạnh dòng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại ở mức 3,3 - 3,6%/năm; tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2021.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đạt 5,1 - 5,9%/năm, tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức 5,4 - 6,6%/năm, tăng 0,1 điểm % và tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng là 6,3 - 6,7%/năm, tăng 0,2 điểm %.
Ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 8/2022, cuộc đua tăng lãi suất vẫn tiếp tục nóng khi nhiều ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.
Bạch Hiền (t/h)