“Tôi lại vừa nhận được mấy đơn hàng đặt mua trà xanh đấy”, ông Long Vận Quế, thành viên Trung tâm dịch vụ thương mại điện tử công cộng huyện Dung Thủy, tỉnh Quảng Tây hồ hởi nói. Các loại đặc sản của huyện này như nấm hương, hồng trà, thịt bò khô, nếp cẩm... giờ không chỉ được bày bán ở tầng một Trung tâm này, mà đã được quảng cáo, tiêu thụ trên kênh bán hàng trực tuyến, thu hút nhiều khách hàng hơn.
Nông dân ở huyện Dung Thủy, tỉnh Quảng Tây livestream để bán hàng đặc sản địa phương |
Nằm ở vùng núi phía bắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, huyện Dung Thủy trước đây được xếp vào diện huyện nghèo của cả nước. Dù môi trường tự nhiên ưu đãi, có nhiều đặc sản địa phương, tuy nhiên giao thông không thuận tiện khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, huyện đã đầu tư 1 tỷ Nhân dân tệ xây dựng hệ thống đường bê tông liên thôn, vừa tạo thuận lợi cho bà con đi lại vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt. Tất cả hơn 100 thôn trong huyện đến nay được phổ cập internet băng thông rộng, hơn 20 công ty vận chuyển hàng hóa được thành lập. Đến tháng 11 năm 2019, Trung tâm dịch vụ thương mại điện tử công cộng Dung Thủy chính thức đi vào vận hành, với hệ thông hơn 120 điểm phục vụ cấp thôn, thị trấn, độ phủ đạt trên 60% số thôn nghèo toàn huyện
Tính đến tháng 6 năm 2020, Trung tâm thương mại điện tử huyện đã giúp đỡ 8100 người được công nhận thoát nghèo, thu nhập bình quân hàng năm mỗi hộ tăng từ 1000 Nhân dân tệ trở lên. Cuối năm 2020, huyện Dung Thủy đã được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo cấp quốc gia.
Một studio bán hàng trực tuyến tại thôn Vương Thường, thị trấn Võ Sơn, tỉnh Giang Tây |
Theo thống kê, thương mại điện tử đã được phổ cập đến những huyện nghèo nhất Trung Quốc. Năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến của 832 xã nghèo của Trung Quốc đạt 301,4 tỷ Nhân Dân Tệ, tăng trưởng 26% so với năm 2019.
Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều sinh viên, người lao động không thể trở lại nơi làm việc, học tập đã tận dụng các diễn đàn thương mại điện tử để kinh doanh, tìm công ăn việc làm tại chỗ. Tính đến cuối năm 2020, số lượng gian hàng trực tuyến của các huyện nghèo tại Trung Quốc đã đạt trên 3 triệu, tăng 366 nghìn ( tương đương 13,7%) so với cùng kỳ 2019, một con số rất đáng khích lệ./.
Kiều Loan