+Aa-
    Zalo

    Ban đại diện cha mẹ học sinh "tiếp tay" cho lạm thu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thay vì đứng ra đảm bảo hoạt động học tập, kết nối giữa gia đình và nhà trường, gần đây, ban phụ huynh đã trở thành bù nhìn hợp thức hóa các khoản thu xã hội hóa giáo dục

    Thay vì đứng ra đảm bảo hoạt động học tập, kết nối giữa gia đình và nhà trường, những năm gần đây, ban phụ huynh đã trở thành... bù nhìn hợp thức hóa các khoản thu xã hội hóa giáo dục.

    Báo Dân Việt đưa tin, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã chia sẻ trên mạng xã hội danh sách các khoản thu dự kiến của một lớp 1 với mức 16.738.000 đồng/học sinh. Ngoài học phí, tiền ăn, bán trú, tiền học thêm, bảo hiểm, còn có thêm học tiếng Anh tăng cường... Số tiền khổng lồ đã gây “bão” trên mạng xã hội.

    Ảnh minh họa báo Tiền Phong.

    Lý giải về số tiền “khủng” này, ông Nguyễn Hoàng Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An khẳng định: “Trường không thu bất cứ khoản phí nào bắt buộc mà do phụ huynh tự nguyện đóng để con em học thêm Anh văn, ở bán trú”. Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng GDĐT TP.Cao Lãnh sau khi xác minh thông tin cũng cho biết, các khoản thu tự nguyện làm cho mức thu lên đến 16 triệu đồng không phải do trường đề xuất, mà do trưởng đại diện cha mẹ học sinh đưa ra.

    Không chỉ ở Trường Tiểu học Chu Văn An, rất nhiều vụ việc bức xúc liên quan đến lạm thu đều bị “đổ thừa” cho ban đại diện cha mẹ học sinh, hội phụ huynh làm... đầu trò. Trước đó, tại Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), mỗi học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 phải đóng 200.000 đồng tiền phí. Khi vụ việc này bị phản ánh, lãnh đạo trường này đã lên tiếng khẳng định rằng, trường không chỉ đạo thu và không đứng ra thu. Tất cả là do Hội phụ huynh của trường tự thu.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Tiền Phong, TS Lê Trường Tùng, hiệu trưởng một trường Đại học cho hay, hiện nay, đã có quy chế quy định cụ thể hội phụ huynh được thu khoản gì và không được thu khoản gì. Trong đó, các khoản thu phải trên nguyên tắc tự nguyện, và không được thu những khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu các khoản dùng để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, khen thưởng giáo viên, bảo vệ, vệ sinh…

    Theo TS Tùng, nhiều hội phụ huynh hiện nay mang tính hình thức, thậm chí bị biến tướng. Tự nguyện vẫn mang tính áp đặt theo kiểu tự nguyện công khai. Nhiều khi một số phụ huynh có điều kiện, có “máu mặt” ở trong hội đứng về phía lợi ích của trường để hy vọng con cái được thầy cô quan tâm hơn. Hội phụ huynh như cánh tay nối dài của hiệu trưởng nhà trường. Hội phụ huynh hoạt động lỏng lẻo và không biết đang bảo vệ quyền lợi của ai, dù có điều lệ hoạt động đầy đủ.

    Cũng theo báo Lao Động, qua những câu chuyện “loạn thu” đầu năm học được phản ánh thời gian qua, TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng đã đến lúc nên xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.

    TS Hương cho rằng, chức năng chính mà Điều lệ đại diện cha mẹ học sinh nêu ra là nâng cao chất lượng học tập, giám sát hoạt động của nhà trường. Bộ GD - ĐT cho biết, với những quy định mà Bộ đã ban hành, thì ban đại diện cha mẹ học sinh không có quyền và trách nhiệm thu tiền học, các khoản đóng góp cho nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng ban đại diện do không hiểu, hoặc luôn “bất chấp” đứng ra thu hộ. Đây chính là kẽ hở để lạm thu có “đất sống”.

    "Cứ “gắn mác” tự nguyện, hay đá trách nhiệm sang Hội cha mẹ học sinh, là người đứng đầu nhà trường an toàn. Một vài cái tặc lưỡi của những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh, đã đổ gánh nặng lên bao gia đình khác và gián tiếp “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành", TS Hương nói.

    Theo TS Hương cho rằng: “Nếu không có ban đại diện này, người đứng đầu trường sẽ không còn nơi để đá bóng trách nhiệm. Tất cả các phụ huynh khác sẽ có trách nhiệm hơn trong việc kết nối với trường”.

    Một số người sẽ lo lắng nếu không còn ban đại diện cha mẹ học sinh, sẽ mất đi đầu mối để giám sát các hoạt động của trường. TS Hương thẳng thắn: “Ban phụ huynh không làm được gì cho học sinh ngoài việc mua quà cho cô ngày lễ tết và đến dự, phát biểu trong ngày lễ với trường. Còn việc tổ chức dã ngoại cho học sinh, phụ huynh tham dự đã quá chiều chuộng, hầu hạ các cháu. Trẻ cần được tự lập nhiều hơn, nên việc này thật sự không tốt. Do đó, ban phụ huynh, thực sự không cần thiết”.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-tiep-tay-cho-lam-thu-a202351.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan