+Aa-
    Zalo

    Bản án cho 3 thuyền viên đẩy bạn xuống biển rồi phao tin mất tích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cho rằng thuyền viên L. lười biếng nên 2 trong 5 thuyền viên khác đã đánh và đẩy nạn nhân xuống biển khiến nạn nhân tử vong.

    Nhóm thuyền viên cùng làm việc trên 1 tàu cá chuyên đánh bắt hải sản tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên tàu có 1 thuyền viên bị bệnh tim, mệt nên không tham gia làm việc. Cho rằng thuyền viên này lười biếng nên 2 trong 5 thuyền viên khác đã đánh và đẩy nạn nhân xuống biển khiến nạn nhân tử vong.

    Đánh, đẩy bạn tàu xuống biển rồi hoang báo mất tích

    Một ngày đầu tháng 1/2020, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa các bị cáo Đỗ Quang Bình, Nguyễn Văn Sinh (đều 18 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Định) ra xét xử về các tội Giết người và Xâm phạm thi thể. Liên quan đến vụ án, cấp tòa này cũng xét xử đối với bị cáo Phạm Hiếu (25 tuổi) về tội Xâm phạm thi thể. Đây là nhóm bị cáo đã đánh, đẩy 1 thuyền viên lớn tuổi xuống biển khiến nạn nhân tử vong và đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngày mở tòa, nhiều người đã đến theo dõi.

    Trong số 3 bị cáo trong vụ án có 2 bị cáo mới 18 tuổi, người còn lại là chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Ngày hầu tòa, cả ba bị cáo đều tỏ thái độ hối hận. Cáo trạng nêu rõ, tàu cá số hiệu BĐ 30653 TS do Hiếu làm chủ kiêm thuyền trưởng. Trên tàu còn có các thuyền viên Nguyễn Văn Sinh, Đỗ Quang Bình, Phan Ngọc Anh Vũ và ông Lê Văn L.. Ông L. đã ngoài 50 tuổi, do bị bệnh tim nên sức khỏe không được tốt như các thuyền viên còn lại.

    Ngày 21/4/2019, tàu cá số hiệu BĐ 30653 TS xuất bến tại phường 5, TP.Vũng Tàu để đánh bắt hải sản trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong quá trình đánh bắt hải sản, ông L. bị mệt nên nhiều lần không tham gia làm việc cùng mọi người. Cho rằng ông L. lười biếng nên Bình, Sinh nhiều lần dùng tay, dép đánh vào mặt, lưng ông L..

    Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

    Tối 12/5/2019, tàu cá BĐ 30653 TS thả lưới đánh bắt mực như thường lệ. Hơn 20h cùng ngày, khi các thuyền viên kéo lưới thì ông L. không tham gia làm việc mà ngồi ở phía cuối mạn tàu cá. Lúc này, Bình gọi ông L. lên làm việc nhưng ông L. than mệt. Cho rằng ông L. giả bệnh, Bình dùng tay đánh ông L. nhiều cái.

    Vào 23h cùng ngày, các thuyền viên trên tàu kéo mẻ lưới thứ hai. Do mệt nên ông L. vẫn không tham gia làm việc với các thuyền viên. Bình thấy vậy đã gọi ông L. đến làm việc nhưng không được. Bực tức, Bình đi đến chỗ ông L. ngồi, dùng tay phải nắm cổ áo ông L. lôi đến mạn trái tàu cá gần khu vực cabin rồi dùng tay trái đẩy ông L. xuống biển rồi đi làm việc. Thấy ông L. rơi xuống biển, thuyền trưởng Hiếu đã gọi một thuyền viên khác là Phan Ngọc Anh Vũ kéo ông L. lên tàu.

    Được kéo lên, ông L. vẫn mặc quần áo ướt và đi đến trước cabin của tàu ngồi. Đến 1h sáng 13/5, các thuyền viên kéo mẻ lưới thứ ba. Do không gọi được ông L. làm việc cùng nên Sinh tức giận, tới chỗ ông L. ngồi, xốc nạn nhân lên và kéo đến mạn tàu.

    Mặc cho ông L. đã năn nỉ, van xin nhưng Sinh vẫn đẩy ông L. xuống biển rồi đi làm việc. Một lần nữa thuyền trưởng Hiếu phát hiện sự việc nên đã cùng 2 thuyền viên vớt ông L. lên bờ, đưa ông L. vào trong cabin, thay quần áo, cho ông L. uống sữa và để ông nghỉ ngơi. Đến 5h sáng 13/5, Hiếu phát hiện ông L. đã chết nên thông báo cho các thuyền viên.

    Sợ liên lụy, Bình, Sinh và Hiếu thống nhất đẩy ông L. xuống biển, đồng thời dùng bộ đàm thông báo cho các tàu xung quanh nói ông L. mất tích, nhờ hỗ trợ tìm kiếm nhằm che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khi tàu cập bến, 1 thuyền viên đã đến đồn biên phòng Bến Đá tố giác hành vi của Bình, Sinh, Hiếu. Do đó hành vi phạm tội của các đối tượng bị bại lộ.

    Hành vi của các bị cáo đáng lên án

     Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau đó tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra đối với 2 đối tượng Bình và Sinh, đồng thời khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hiếu. Hơn nửa năm kể từ khi gây án, các bị cáo bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra xét xử. Tại tòa, các bị cáo tỏ ra thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Sinh và Bình khai rằng, trong khi các thuyền viên làm việc, ông L. đã không tham gia. Do nghĩ ông L. lười biếng nên Sinh không kiềm chế được, đã đánh và xốc nách ông L. ném xuống biển.

    Theo Sinh, việc ném ông L. xuống biển nhưng không cố ý khiến ông L. chết, mà chỉ là để hù dọa, nhằm làm ông L. sợ mà đến làm việc với mọi người. Được gọi xét hỏi, bị cáo Hiếu thừa nhận rằng, 2 lần đều thấy các thuyền viên đẩy ông L. xuống biển và cả hai lần Hiếu cùng 1 thuyền viên khác kéo ông L. lên. Do thấy ông L. mệt nên Hiếu không bắt ông L. làm việc nữa mà cho ông vào cabin nghỉ ngơi.

    Sáng sớm ngày 13/5/2019, Hiếu đi vào cabin thấy ông L. không cử động, tay chân co cứng không duỗi ra được, da tím tái.... Hiếu đưa tay vào gần mũi ông L. kiểm tra nhưng không thấy có hơi thở. Biết ông L. đã chết, Hiếu đánh thức các thuyền viên dậy và thông báo tin ông L. chết. Hiếu nói các thuyền viên đưa thi thể ông L. đi ướp đá để mang vào đất liền nhưng tất cả đều sợ không dám làm.

    Sau khi bàn bạc, Hiếu, Bình, Sinh thống nhất ném thi thể ông L. xuống biển, nếu ai hỏi sẽ nói do ông L. té nước mất tích. Lúc này, Hiếu dùng bộ đàm thông báo tin giả cho các tàu cá xung quanh biết có thuyền viên trên tàu cá của mình say rượu té nước mất tích, và nhờ các thuyền khác hỗ trợ tìm kiếm. Sau đó, Hiếu, Bình, Sinh thống nhất với nhau khi vào bờ nếu ai hỏi thì sẽ khai báo ông L. rơi xuống biển mất tích, không tìm thấy.

    Thực hành công tố tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, các bị cáo nhận thức rõ tàu cá đang ở giữa biển khơi, trong hoàn cảnh đêm tối, bất kỳ ai sau khi bị đánh rồi đẩy xuống biển thì sẽ dẫn đến cái chết, nhưng các bị cáo vẫn bất chấp, đánh đập bạn tàu mặc cho nạn nhân năn nỉ, van xin được nghỉ ngơi vì không đủ sức khỏe làm việc. Không những thế, các bị cáo còn 2 lần đẩy nạn nhân xuống biển. Đến khi nạn nhân tử vong lại không đưa thi thể nạn nhân về với gia đình mà nhẫn tâm đẩy nạn nhân xuống biển rồi hoang báo nạn nhân mất tích, khiến thi thể đến nay không tìm thấy.

    Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án nghiêm khắc. Sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKS khi nhận định, 2 bị cáo Bình và Sinh là những người trực tiếp đánh đập, đẩy nạn nhân L. xuống biển đễn đến việc nạn nhân tử vong sau đó. Không những thế, 2 bị cáo còn thống nhất với Hiếu phi tang xác nạn nhân nên phải chịu trách nhiệm hình sự ngang nhau. Riêng bị cáo Hiếu tuy không tham gia đánh đập nạn nhân nhưng đã xâm phạm thi thể, thống nhất cùng 2 đồng phạm đẩy xác nạn nhân xuống biển dẫn đến mất tích nên cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng.

    Mặc dù các bị cáo không có ý thức tước đoạt mạng sống của ông L., không có sự bàn bạc trước nhưng hành vi của các bị cáo xâm hại trực tiếp đến tính mạng của bị hại. Đến nay thi thể của nạn nhân không tìm thấy, để lại hậu quả rất xấu về tâm linh, tình cảm đạo đức của người Việt Nam nên cần tuyên mức án nghiêm. Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Đỗ Quang Bình và Nguyễn Văn Sinh cùng mức án 9 năm tù về các tội Giết người và Xâm phạm thi thể. Phạt bị cáo Phạm Hiếu 18 tháng tù về tội Xâm phạm thi thể.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật Tháng số 2

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-an-cho-3-thuyen-vien-day-ban-xuong-bien-roi-phao-tin-mat-tich-a308585.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan