+Aa-
    Zalo

    Bài toán lớp 3 siêu khó gây "choáng": Chuyên gia giáo dục nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Đến cả người lớn nhiều người cũng vài ngày chưa chắc nghĩ ra chứ đừng nói học sinh lớp 3 và giao một buổi tối về nhà", Phó giáo sư toán học Văn Như Cương nói.

    (ĐSPL) - "Đến cả người lớn nhiều người cũng vài ngày chưa chắc nghĩ ra chứ đừng nói học sinh lớp 3 và giao một buổi tối về nhà", Phó giáo sư toán học Văn Như Cương nói.

    Như tin tức đã đưa từ trước, bài toán số học dành cho học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng, Việt Nam) không chỉ "gây bão" trong nước mà còn lan rộng ra báo chí quốc tế và tiếp tục khiến vô số độc giả "choáng" trước độ khó của nó.

    Sở GD-ĐT Lâm Đồng lên tiếng

    Trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, bài toán này không nằm trong đề thi hay bài tập.

    “Đây là bài toán trong cuốn vở bài tập toán in sẵn, được giáo viên photo gửi cho học sinh về nhà ôn tập trước khi thi học kỳ 2”, ông Long nói.

    Bài toán lớp 3 siêu khó gây xôn xao dư luận.

    Cũng theo ông Long, ông có nhận được bản sao bài toán đó do một phụ huynh học sinh ở thành phố Bảo Lộc chuyển đến nhưng không nêu danh tính, địa chỉ hoặc trường học nào. Họ chỉ nêu thắc mắc sao toán lớp 3 khó quá, học sinh và cả phụ huynh cũng không giải được.

    “Chúng tôi đang đề nghị Phòng giáo dục TP.Bảo Lộc tìm cho ra giáo viên nào photo bài toán đó cho học sinh ôn tập để nhắc nhở, đồng thời tìm cho ra cuốn vở bài tập in sẵn đó để biết nhà xuất bản nào. Trên cơ sở đó Sở sẽ phản ánh với Bộ GD-ĐT để xử lý nhà xuất bản”, ông Long chia sẻ.

    Hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục

    Trao đổi trên báo VietnamPlus, phó giáo sư toán học Văn Như Cương cho rằng, mặc dù đây không phải đề thi mà chỉ là bài tập về nhà, nhưng là quá khó với trình độ của học sinh lớp 3.

    Phó giáo sư Cương nói: “Nhiều ý kiến cho rằng bài toán chỉ gồm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, nghĩa là trong phạm vi kiến thức lớp 3, nhưng nói như thế là không thỏa đáng vì nhiều bài toán thi Olympic quốc tế cũng chỉ gồm cộng, trừ, nhân, chia. Độ khó của bài toán không phải chỉ đơn thuần phụ thuộc các phép tính bên trong nó".

    Phó giáo sư Văn Như Cương.

    Cũng theo ông Cương: “Tôi đọc nhưng bận nên không thử làm vì thấy nó quá rắc rối. Bài toán có thể có nhiều đáp án mà nếu chỉ cần chọn một trường hợp thôi thử đã đủ mệt. Đến cả người lớn nhiều người cũng vài ngày chưa chắc nghĩ ra chứ đừng nói học sinh lớp ba và giao một buổi tối về nhà".

    Phó giáo sư Văn Như Cương nhận định, xét trên góc độ giáo dục, các bài tập giao cho học sinh nhằm củng cố những kiến thức các em đã học, rèn luyện về tư duy cho các em.

    Tuy nhiên, với một bài toán quá khó và phức tạp như trên thì hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục. Trái lại, nó còn làm học sinh mất thời gian, ức chế, căng thẳng không cần thiết.

    Cùng quan điểm với Phó giáo sư Cương, cô Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, khi ra một bài toán cho học sinh, giáo viên có hai xu hướng ra đề. Thứ nhất là để kiểm tra kiến thức học sinh đã học. Thứ hai là để kiểm tra chỉ số thông minh, khả năng nhanh nhạy của học sinh, để thử sức các em hoặc để chọn học sinh giỏi.

    Việc người lớn không giải được toán của học sinh tiểu học là hết sức bình thường vì có những nguyên tắc, quy luật logic mà người lớn đã quên mất.

    “Tuy nhiên, nếu là bài dạng thách đố thì chỉ nên ở tiết nâng cao, chẳng hạn tiết luyện toán . Với bài toán này, nếu là bài tập giáo viên giao về nhà cho học sinh thì dưới góc nhìn của người làm giáo dục, tôi cho rằng nó không phù hợp với học sinh lớp 3,” cô Hương nêu ý kiến.

    LINH SAN(Tổng hợp)

    Xem thêm video: Cô bé trả lời thần tốc, lập kỷ lục cuộc thi trí tuệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-toan-lop-3-sieu-kho-gay-choang-chuyen-gia-giao-duc-noi-gi-a95422.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.