(ĐSPL) - Cuộc tranh luận xôn xao giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc và chủ bút tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) Hồ Tích Tiến vài ngày qua đã trở thành tâm điểm của truyền thông châu Á, đồng thời nung nóng thêm bất đồng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Chuyện “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”
Tranh cãi nổ ra khi Đại sứ Stanley Loh bày tỏ sự không hài lòng khi tờ Global Times đưa thông tin sai và vô căn cứ về hành động và lời nói của Singapore, liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) tại Venezuela ngày 18/9.
Tại hội nghị này, Singapore đã đưa nội dung tán thành phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) về vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung với lời giải thích, đã có sự đồng thuận của các nước ASEAN. Nhưng, tờ Global Times ngang ngược cáo buộc đảo quốc này cố tình làm theo chủ ý của mình để gây căng thẳng và làm mất uy tín của Bắc Kinh. Ông Loh cho biết, Singapore không hài lòng vì bài báo mang tính "vô trách nhiệm, toàn sự bịa đặt và cáo buộc vô căn cứ" từ phía Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến đáp trả lại ông Loh với hàm ý vị Đại sứ này "không hiểu chuyện gì xảy ra". Ngay lập tức bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vào cuộc với tuyên bố chỉ trích "một quốc gia nào đó" đã khuấy động căng thẳng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông bằng cách yêu cầu đưa vấn đề này vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp cao NAM lần thứ 17.
Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến và Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh. |
Cuộc tranh luận tiếp diễn sau đó đã kéo theo một nhân vật có uy tín trong giới quân đội Trung Quốc là Jin Yinan, Giám đốc viện Nghiên cứu Chiến lược tại đại học Quốc phòng thuộc Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông Jin ra mặt kêu gọi chính quyền Bắc Kinh cần phải áp đặt lệnh trừng phạt và trả đũa Singapore.
Nói trong một chương trình của đài phát thanh Nhà nước, ông Jin cho rằng, Singapore phải trả giá vì đã làm "tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc". Từ chuỗi sự việc trên, bình luận viên Cary Huang nhận định trên tờ SCMP, Trung Quốc đang bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng đối với Singapore.
Có thể “đường ai nấy đi”
Vốn là hai quốc gia thân hữu, nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đang có chiều hướng xuống dốc sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài đưa ra hôm 12/7, trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe hôm 28/9, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tái khẳng định, Singapore không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng nước này “có những lợi ích quan trọng để bảo vệ ở vùng biển này”. Những lợi ích kể trên bao gồm quyền tự do hàng hải và "trật tự khu vực dựa trên các quy tắc quốc tế". Ông nhấn mạnh, các tranh chấp ở Biển Đông cần được "giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế chứ không phải dùng luật rừng", theo Channel News Asia. Singapore không phải là quốc gia có lợi ích tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và sự ủng hộ của Singapore đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã khiến Trung Quốc tỏ ra không hài lòng. Bắc Kinh tin rằng, đảo quốc này đang dần chuyển hướng sang Mỹ để đẩy mạnh những lợi ích của riêng mình. Dựa trên tình hữu nghị truyền thống và mối quan hệ đặc biệt với Singapore, Bắc Kinh luôn hy vọng đảo quốc này sẽ là cầu nối giúp Trung Quốc với ASEAN. Hay ít ra Singapore cần phải duy trì thế trung lập, thay vì đối đầu. Nhưng động thái ủng hộ phán quyết của PCA được cho là đã khiến Bắc Kinh cảm thấy thất vọng. Không chỉ ủng hộ phán quyết, Singapore còn nỗ lực vận động áp lực quốc tế dồn vào Trung Quốc. Bắc Kinh dường như đặc biệt khó chịu với việc Singapore sử dụng hội nghị NAM như một diễn đàn tuyên bố chống lại quốc gia này.không phải là thành viên nhưng từ lâu, Trung Quốc vẫn sử dụng NAM như một diễn đàn nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế. Hành động của Singapore đã khiến Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm và hình ảnh của mình đã bị bôi xấu.
Mặc dù vậy, phát ngôn cứng rắn trên tờ Global Times không hẳn là sự hậm hực từ phía Trung Quốc mà được cho là một chiêu bài ngoại giao giấu kín nhằm giữ lại mối quan hệ đang ngày một chông chênh giữa hai nước, Cary Huang bình luận.
Giới lãnh đạo hiện tại được cho là vẫn hết sức trân trọng mối quan hệ đặc biệt với Singapore. Singapore cũng có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, dân tộc đối với Trung Quốc khi quốc gia 6 triệu dân này chủ yếu là người gốc Hoa.
Theo báo chí nước ngoài, dù thất vọng với Singapore nhưng Bắc Kinh vẫn chưa muốn lên tiếng về mặt ngoại giao bởi giới lãnh đạo vẫn có sự tôn trọng nhất định đối với Thủ tướng Lý Hiển Long. Tuy nhiên sự tôn trọng cũng có giới hạn nhất định. Và phát ngôn cứng rắn của Global Times đã được sử dụng để truyền tải thông điệp này.
Cuộc tranh cãi hiện tại không phải là lần đầu tiên Singapore bị Thời báo Hoàn cầu nhắm đến. Hồi năm 2009, khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đề nghị Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á để “tạo thế cân bằng”. Ngay lập tức, tờ báo dẫn lời cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích ông Lý "vô ơn" với Bắc Kinh. Tuy nhiên sau đó mọi việc đã được giải quyết êm xuôi. Trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ có ý định từ bỏ nỗ lực đưa Singapore trở về quỹ đạo của mình. Trung Quốc hiểu rõ Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể giúp cải thiện mối quan hệ Trung Quốc với các nước ASEAN.
Đó là lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói với Thủ tướng Lý Hiển Long bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu rằng, quan hệ Trung Quốc - Singapore "luôn luôn đi trước một bước so với mối quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN khác". Vì vậy, trong khi Global Times đang làm nổi bật những khó khăn phải đối mặt của cả hai trong việc nuôi dưỡng tình hữu nghị truyền thống, nó cũng phản ánh ý định của Trung Quốc muốn giữ cho mối quan hệ này luôn "đặc biệt".
Theo nhận định của giới chuyên gia, ngay cả khi nếu tung ra các biện pháp trừng phạt, trả đũa nhằm vào Singapore, Trung Quốc cũng sẽ tự làm tổn hại đến chính mình. Trên thực tế, Singapore nắm thế chủ động hơn về quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào quốc gia này. Và ngược lại, Singapore cũng là một thành phần quan trọng trong kế hoạch "con đường tơ lụa trên biển" của Bắc Kinh.
Du Jifeng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh có thể cảnh giác hơn với vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore sẽ vẫn mạnh mẽ.
MẠNH KIÊN (theo SCMP)
[mecloud]MNJvBjYWk5[/mecloud]