(ĐSPL) - Ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, từ nhiều ngày nay hàng chục cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh Mỹ trong lễ nhậm chức này đã phải ráo riết chuẩn bị cho hoạt động đảm bảo an ninh và một thách thức lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này đang đặt ra cho họ chính là nguy cơ các nhóm ủng hộ và chống ông Trump đụng độ.
Chi cả trăm triệu USD cho công tác an ninh
Không lâu sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016, kế hoạch chuẩn bị cho công tác đảm bảo an ninh trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử đã được ráo riết chuẩn bị. Hãng tin New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao tham gia lên kế hoạch cho hoạt động đảm bảo an ninh trong lễ nhậm chức của ông Trump tiết lộ, việc đảm bảo an ninh cho sự kiện này sẽ là thách thức lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Ông Trump là vị Tổng thống đắc cử gây nhiều ý kiến trái chiều khá hiếm hoi trong lịch sử Mỹ. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông Trump kêu gọi người Mỹ cùng đoàn kết lại như một thể thống nhất. Nhưng, thực tế trái ngược khi các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử vẫn diễn ra nhiều ngày sau đó.
Bên cạnh những người phản đối, có một lực lượng không nhỏ ủng hộ ông Trump. |
Dự kiến lễ nhậm chức của ông Trump sẽ thu hút hàng triệu người ủng hộ cũng như không ủng hộ ông. Theo dự đoán của Ủy ban phụ trách lên kế hoạch cho lễ nhậm chức, có khoảng 2-3 triệu người tham dự sự kiện. Khi lượng người đông đảo này đổ ra đường, đặc biệt là khi họ vẫn còn chia rẽ sâu sắc trong cuộc bầu cử, nguy cơ xung đột giữa các nhóm này là không nhỏ. Việc tránh các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ và phản đối ông Trump, trong khi vẫn cho phép cả hai bên thực hiện các sự kiện, không phải chuyện giản đơn. Và, lo ngại về khả năng người phản đối sẽ tràn ngập Washington D.C. vào ngày 20/1 cũng không phải vô căn cứ.
Ba chục cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh trong lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump đã phải xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết để tránh những khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Hơn 3.000 cảnh sát và khoảng 8.000 cảnh vệ quốc gia sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đám đông và kiểm soát giao thông ở Washington vào ngày 20/1. Ngoài ra, khoảng 5.000 quân nhân đang làm nhiệm vụ cũng sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh. Lực lượng này sẽ cho phép các cơ quan địa phương có chiến thuật quản lý đám đông tốt hơn để giám sát những người biểu tình và các nhóm ủng hộ ông Trump. Các kế hoạch an ninh không chỉ bao gồm ngày nhậm chức mà còn cả một tuần sự kiện ăn mừng chiến thắng của ông Trump, bắt đầu với buổi hòa nhạc tại National Mall vào ngày 19/1. Và, riêng chi phí an ninh cho lễ nhậm chức của ông Trump ước tính sẽ vượt 100 triệu USD.
Bài toán an ninh hóc búa
Bảo vệ Tổng thống đắc cử cùng hàng nghìn quan chức và đám đông luôn là ưu tiên hàng đầu và rất được đề cao trong mỗi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông Michael Chertoff, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ dưới thời ông Bush và là người giám sát việc chuẩn bị cho lễ nhậm chức đầu tiên của ông Barack Obama hồi năm 2009 cho rằng, mỗi lễ nhậm chức đều nguy hiểm nhưng lễ nhậm chức này lại nguy hiểm theo cách riêng của nó.
Trước đó, giới chức Mỹ đã từng có nhiều mối lo ngại trước lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Bush vào năm 2005 sau vụ khủng bố 11/9/2001. Năm 2009, khi ông Barack Obama trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, phải đối mặt với một loạt mối đe dọa phân biệt chủng tộc cũng như lo ngại về âm mưu khủng bố. Dù vậy, ông Barack Obama không phải đối mặt với nguy cơ có những cuộc biểu tình lớn khi ông chính thức vào Nhà Trắng. Đám đông gần hai triệu người năm 2009 chỉ có ít người biểu tình và không dẫn đến vụ bắt giữ nào, theo Christopher T. Geldart, quan chức an ninh của Washington D.C.
Tuy nhiên, các đời Tổng thống trước không phải đối mặt với khả năng sẽ có nhiều người phản đối như ông Trump. Dự kiến, Tổng thống đắc cử phải đối mặt với người phản đối mình khi chính thức đến Washington vào ngày 20/1 tới. “Cộng đồng tình báo xác định, đang có nhiều mối đe dọa tại lễ nhậm chức này hơn bất cứ lễ nhậm chức nào khác và mối đe dọa đến từ nhiều hướng hơn hẳn so với trước kia”, Thượng nghị sỹ Roy Blunt của đảng Cộng hòa, người đứng đầu Ủy ban của Quốc hội Mỹ chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho lễ nhậm chức, cho biết.
Năm nay cơ quan Công viên Quốc gia, kiểm soát nhiều đất công tại Washington - từ vỉa hè cho đến công viên National Mall, đã nhận được 23 đơn xin tổ chức sự kiện của cả nhóm chống lẫn ủng hộ ông Trump. Trong khi đó, ở lễ nhậm chức của những vị Tổng thống trước đây, cơ quan này chỉ nhận được một số ít. Mike Litterst, phát ngôn viên của cơ quan Công viên Quốc gia cho biết, cơ quan này đang "tích cực xem xét" các yêu cầu, với mục tiêu cố gắng sắp xếp để nhiều sự kiện được tổ chức nhất có thể. Các nhóm được cấp phép sẽ được phân bổ vị trí và thời gian tách bạch để tránh lẫn lộn. Sự kiện lớn nhất được chấp nhận là cuộc diễu hành của phụ nữ ở Washington, với khoảng 200.000 người biểu tình chống ông Trump vào ngày 21/1, một ngày sau lễ nhậm chức. Ông Boris Epshteyn, Giám đốc truyền thông cho Ủy ban kế hoạch lễ nhậm chức của ông Trump cho biết: “Họ hoan nghênh việc người dân sử dụng quyền biểu tình, "miễn là nó được thực hiện một cách hòa bình và đúng luật, quy tắc và quy định".
"Lễ nhậm chức nào cũng có những mối nguy hiểm, nhưng mỗi lễ lại có những mối lo ngại riêng", Michael Chertoff, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ, nói. "Nhưng tôi chưa từng thấy lễ nhậm chức nào đặt ra nhiều thách thức an ninh như lần này", ông Chertoff đưa ra nhận định.
ĐÀO VŨ (Theo New York Times, CNN)
Đăng lại báo giấy số 02/2017